HÀNH VI TỰ CHẾ, SỬ DỤNG PHÁO TRÁI PHÉP SẼ BỊ XỬ LÝ THẾ NÀO?

HÀNH VI TỰ CHẾ, SỬ DỤNG PHÁO SẼ BỊ XỬ LÝ THẾ NÀO?

5

Những ngày cuối năm, tình trạng chế tạo, tàng trữ, buôn bán và sử dụng pháo nổ, trái phép lại gia tăng và diễn biến phức tạp. Điều đáng nói là hiện nay đã có rất nhiều vụ việc các em học sinh, thanh thiếu niên tự tìm hiểu, chế tạo pháo trái phép thông qua các trang web trên mạng xã hội. Đây không chỉ là những hành vi vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường tới tính mạng, sức khỏe và tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.

Vậy hành vi tự chế, sử dụng pháo trái phép sẽ bị xử lý thế nào? Chơi pháo thế nào để không bị xử phạt?

Sau đây HTM & Partner xin được tư vấn cho Quý Khách hàng về “Hành vi tự chế, sử dụng pháo trái phép sẽ bị xử lý thế nào?”:


HÀNH VI TỰ CHẾ, SỬ DỤNG PHÁO TRÁI PHÁP LUẬT
                                                          HÀNH VI TỰ CHẾ, SỬ DỤNG PHÁO TRÁI PHÁP LUẬT

    1. Cơ sở pháp lý

– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

– Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020

– Nghị định 137/2020/NĐ-CP

– Nghị định 144/2021/NĐ-CP

    2. Nội dung

2.1. Khái niệm

Theo quy định tại Điều 3, Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo:

Pháo bao gồm: pháo nổ và pháo hoa.

+ Pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ;

Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90mm hoặc tầm bắn trên 120m;

+ Pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Như vậy, pháo hoa được sử dụng phải không gây ra tiếng nổ, tránh nhầm lẫn với pháo hoa nổ như quy định trên. Đồng thời, chúng ta cần biết rằng: Pháo nổ nghiêm cấm sử dụng trong mọi trường hợp. Pháo hoa nổ cơ bản cấm như pháo nổ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp được pháp luật cho phép.

2.2 Điều kiện được sử dụng pháo hoa và các sự kiện được sử dụng pháo hoa

Tại Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định:

Cơ quan, tổ chức, cá nhân muốn sử dụng pháo hoa cần phải thỏa mãn các điều kiện sau:

– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

– Chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa;

– Việc sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

2.3 Trách nhiệm hành chính, hình sự

Theo quy định tại Tại Điều 5 Nghị định 137/2020/NĐ-CP có quy định nghiêm cấm các hành vi như sau:

“ Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định 137/2020/NĐ-CP;

Nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo.”

Theo đó, tùy thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi tự ý chế tạo pháo nổ trái phép có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015:

Điều 5. Đối tượng bị xử lý vi phạm hành chính

a. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.

2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”

+ Về trách nhiệm hành chính:

Theo Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm như sau:

  • Phạt tiền 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi:

– Trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;

– Sử dụng các loại pháo, thuốc pháo trái phép;

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với các hành vi:

–  Vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo;

– Hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng pháo hoa, pháo nổ dưới mọi hình thức.

  • Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi:

Mang trái phép pháo hoa, pháo nổ vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

Ngoài ra, có thể bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính như: biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng; đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc khi có năng lực trách nhiệm hành chính theo quy định tại Điều 90, Điều 92, Điều 94 Luật xử lý vi phạm hành chính.

+ Về trách nhiệm hình sự:

  • Trường hợp từ đủ 16 tuổi trở lên nếu có hành vi sản xuất, chế tạo, sử dụng pháo nổ, thuốc pháo thì sẽ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội:

– Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 190): Người nào sản xuất, buôn bán pháo nổ, pháo hoa nổ từ 06kg trở lên sẽ bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 03 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 15 năm.

– Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm (Điều 191): Người nào tàng trữ, vận chuyển pháo nổ, pháo hoa nổ từ 06kg trở lên sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm.

– Tội gây rối trật tự công cộng (Điều 318): Người đốt pháo nổ, pháo hoa nổ trái phép gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị phạt tiền từ 05 triệu đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm.

Ngoài ra, nếu buôn bán hoặc vận chuyển trái phép pháo qua biên giới sẽ phải chịu trách nhiệm về tội buôn lậu (Điều 188) hoặc tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới (Điều 189). Nếu đốt pháo nổ, pháo hoa nổ gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương xứng với hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản do hành vi đốt pháo gây ra.

Leave A Reply

Your email address will not be published.

0989.111.863