BÌNH LUẬN TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY ĐIỀU 313 BLHS
BÌNH LUẬN TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY ĐIỀU 313 BLHS
Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về phòng cháy hoặc chữa cháy, do người từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực TNHS thực hiện xâm phạm an toàn cháy, nổ vô ý gây nên những thiệt hại hoặc đe dọa gây nên những thiệt hại nhất định cho xã hội mà theo quy định phải chịu TNHS.
Tội phạm này xâm phạm an toàn công cộng mà cụ thể là an toàn cháy, nổ từ việc vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.
Để hiểu rõ hơn về tội phạm này, xin mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây của Công ty Luật HTM và Cộng sự:
Căn Cứ Pháp Lý
- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
- Bộ luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009;
- Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2013;
- Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chồng bạo lực gia đình.
Nội Dung
1) Khái niệm cơ bản
Định nghĩa: Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là hành vi hết sức nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm an toàn công cộng mà cụ thể là an toàn cháy, nổ từ việc vi phạm các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy.
Theo Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy như sau:
“1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy là tội phạm đã được quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1985. So với Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 240 Bộ luật hình sự năm 1999 có những sửa đổi, bổ sung để phù hợp với thực tiễn:
Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định “gây thiệt hại đến sức khoẻ người khác” thì Điều 240 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “ gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ người khác”.
Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1985 có 3 khoản và không quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội còn Điều 240 có 4 khoản và quy định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội, trong đó khoản 2 của điều luật là quy định mới với tình tiết là yếu tố định khung hình phạt là “gây hậu quả rất nghiêm trọng”
Về hình phạt cũng như mức hình phạt quy định tại Điều 240 Bộ luật hình sự năm 1999 cũng được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với cơ cấu của điều luật và tình hình phòng chống loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.
Nếu khoản 1 Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến một năm và hình phạt tù từ ba tháng đến ba năm, thì khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm và hình phạt tù từ sau tháng đến năm năm; nếu hình phạt cao nhất quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự năm 1985 là mười năm thì mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 240 là mười hai năm.
Đến thời điểm như hiện nay, Điều 240 Bộ luật Hình sự năm 1999 không còn phù hợp với thực tiễn, bộc lộ nhiều điểm thiếu sót và khiếm khuyết. Chính vì vậy, tội phạm này được quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 có một số điểm được sửa đổi, bổ sung sau đây:
– Khoản 1: cụm từ “tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác” sau cụm từ “gây thiệt hại cho” được thay bằng cụm từ “người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây”;
Theo Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định các tình tiết “thiệt hại nghiêm trọng…”, “hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng” mang tính định tính, định lượng sẽ không tránh khỏi việc tồn tại nhiều quan điểm khác nhau. Bởi, để xác định thế nào là phạm tội gây thiệt hại nghiêm trọng, hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng phải xem xét đánh giá một cách tổng hợp, toàn diện các loại hậu quả do hành vi phạm tội gây ra gồm thiệt hại về tài sản, thiệt hại về tính mạng, sức khỏe. Bộ luật Hình sự hiện hành đã thay bằng các tình tiết định lượng cụ thể theo hướng làm rõ hậu quả thiệt hại xảy ra: làm chết người, tỷ lệ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe, gây thiệt hại về tài sản theo luật quy định thì mới xác định vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.
– Khoản 4: cụm từ “phạm tội trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” được thay bằng “vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này”;
Bộ luật Hình sự hiện hành đã loại bỏ tình tiết phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vì đây là các tính tiết định tội, định khung hình phạt mang tính chất định tính và trừu tượng. Các tình tiết này đã được lượng hóa cụ thể trong các tội phạm.
– Nâng mức tối thiểu phạt tù: từ “06 tháng” lên “02 năm” (khoản 1) và từ “03 năm” lên “05 năm” (khoản 2); nâng mức tối thiểu phạt tiền (hình phạt bổ sung) từ “5.000.000 đồng” lên “10.000.000 đồng”; giảm mức tối đa phạt cải tạo không giam giữ từ “02 năm” xuống “01 năm” và mức tối đa phạt tù từ “02 năm” xuống “01 năm” (khoản 4).
2) Các dấu hiệu cơ bản của tội phạm:
- Về mặt khách thể của tội phạm:
Hỏa hoạn thường gây nên những thiệt hại rất nghiêm trọng về người và tài sản làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của công dân. Để hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả do hỏa hoạn có thể gây ra, Nhà nước đã đề ra nhiều biện pháp phòng cháy và chữa cháy, quy định các hình thức trách nhiệm pháp lý khác nhau để xử lý nghiêm minh các vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy. Tội phạm này được quy định để đấu tranh phòng chống các vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy, bảo đảm an toàn công cộng, tính mạng, sức khỏe của công dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước và công dân.
Đối với tội này, khách thể của tội phạm là xâm phạm vào các quy định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy. Những quy định này đã được các cơ quan lập pháp ban hành cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, đoàn thể về lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy.
- Về mặt khách quan của tội phạm:
Mặt khách quan của tội phạm này được thể hiện ở hành vi vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy.
Phòng cháy được hiểu là những biện pháp đề phòng trường hợp xảy ra cháy không kiểm soát được có thể gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường.
Chữa cháy bao gồm các công việc huy động, triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy, cắt điện, tổ chức thoát nạn, cứu người, cứu tài sản, chống cháy lan, dập tắt đám cháy và các hoạt động khác có liên quan đến chữa cháy nhằm ngăn chặn việc gây thiệt hại về người, tài sản và ảnh hưởng môi trường của đám cháy.
Hành vi này có thể là hành động (như hút thuốc trong kho xăng, dầu; gây cản trở việc chữa cháy; tùy tiện câu mắc điện trong nhà để sử dụng, đấu nối cẩu thả không đúng kỹ thuật; lắp đặt thêm các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn dẫn đến quá tải đường dây dẫn điện, v.v.) hoặc không hành động (không trang bị hoặc có trang bị nhưng không đầy đủ phương tiện phòng cháy, chữa cháy; không tổ chức lực lượng phòng cháy tại chỗ, v.v.).
Hậu quả là yếu tố cấu thành bắt buộc của tội phạm, cụ thể:
– Làm chết người;
Phạm tội làm chết người là trường hợp phạm tội mà việc phạm tội là nguyên nhân làm nạn nhân chết. Tuy nhiên, người phạm tội không cố ý gây ra hậu quả làm nạn nhân chết.
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
– Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
– Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
– Hành vi vi phạm chưa gây ra một trong các thiệt hại trên nhưng có khả năng thực tế dẫn đến một trong các hậu quả sau nếu không được ngăn chặn kịp thời: khả năng thực tế làm chết 03 người trở lên; khả năng thực tế gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; khả năng thực tế gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với hậu quả đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra là dấu hiệu bắt buộc cần xem xét trong cấu thành tội phạm.
- Về chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.
- Về mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi vô ý (do quá tự tin hoặc do cẩu thả). Người phạm tội nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội của hành vi nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được hoặc không thấy trước hậu quả của hành vi của mình nhưng phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.
3) Về hình phạt:
- Hình phạt chính:
Điều 313 Bộ luật Hình sự hiện hành quy định 04 khung hình phạt đối với người phạm tội như sau:
+ Khung 1: quy định phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt từ từ 02 năm đến 05 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc các trường hợp sau:
- Làm chết người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
+ Khung 2: quy định phạt tù từ 05 năm đến 08 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Làm chết 02 người;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
+ Khung 3: quy định phạt tù từ 07 năm đến 12 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
- Làm chết 03 người trở lên;
- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
+ Khung 4: quy định phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm áp dụng đối với trường hợp hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy chưa gây thiệt hại mà mới chỉ gây ra tình trạng nguy hiểm đặc biệt – tình trạng có khả năng thực tế dẫn đến một trong các hậu quả sau nếu không được ngăn chặn kịp thời: Khả năng thực tế làm trên 03 người trở lên; khả năng thực tế gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 201% trở lên; khả năng thực tế gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
- Hình phạt bổ sung:
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Lưu ý: Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này, cần xác định quy định cụ thể nào (Luật Phòng cháy và chữa cháy năm 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2013, Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31-7-2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy) bị vi phạm và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.
Trong trường hợp hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định tại Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chồng bạo lực gia đình.
Nếu hành vi vi phạm phòng cháy chữa cháy nhưng chưa đến mức xử lý hình sự thì bị phạt hành chính theo quy định tại Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về các mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ như sau:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn về phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản dưới 20.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại về tài sản từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
+ Vi phạm quy định an toàn phòng cháy và chữa cháy để xảy ra cháy, nổ mà gây thiệt hại về tài sản trên 100.000.000 đồng;
+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%;
+ Vi phạm quy định về phòng cháy và chữa cháy gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này dưới 61%.
Trên đây là phần trình bày của HTM & PARTNER BÌNH LUẬN TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY ĐIỀU 313 BLHS.
Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Dân sự – Hình sự – Hành chính, xin quý khách vui lòng liên hệ:
LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 0989. 111. 863
Phụ trách nội dung:ThS. LS. TRẦN VĂN HUY – Luật sư điều hành HTM & PARTNER
Địa chỉ: Số 70, Ngõ 203, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Website: https://luathtm.vn/
Email: Luathtm.vn@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luathtm/
Zalo liên hệ Luật sư: 0989. 111. 863
Mã QR Zalo Luật sư:
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết tại đây:
- https://tintuc.luathtm.vn/an-treo-dieu-kien-de-duoc-huong-an-treo-theo-blhs-2015
- https://tintuc.luathtm.vn/khoi-kien-vu-an-hanh-chinh-2030.html
- https://tintuc.luathtm.vn/khoi-kien-vu-an-tranh-chap-dat-dai-2230.html
- https://tintuc.luathtm.vn/cac-hinh-phat-theo-quy-dinh-cua-blhs-2015-2273.html
- https://tintuc.luathtm.vn/mien-trach-nhiem-hinh-su-theo-blhs-2015-2268.html