BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH

BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH

24

Giao dịch dân sự là một trong những phương thức hữu hiệu cho cá nhân, pháp nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác xác lập và thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự nhằm  thỏa mãn các nhu cầu trong sinh hoạt, tiêu dùng và trong sản xuất kinh doanh. Giao dịch dân sự càng có ý nghĩa quan trọng trong điều kiện của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong giai đoạn hiện nay. Giao dịch dân sự chính là công cụ, phương tiện để các chủ thể tìm kiếm và  trao đổi lợi ích với nhau.

Tuy nhiên, việc tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và giải quyết hậu quả pháp lý khi giao dịch dân sự vô hiệu vẫn là vấn đề phức tạp, gây ra nhiều vướng mắc, bất cập. Thực tế cho thấy, đôi  khi cũng có những chủ thể đã xác lập, thực hiện một giao dịch dân sự nhưng lại không đạt được lợi ích mà mình mong muốn mặc dù khi tham gia giao dịch họ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật với tinh thần thiện chí, ngay thẳng, trung thực nhưng họ không biết hoặc không thể biết giao dịch mà mình xác lập là không có căn cứ pháp luật. Thông thường, dưới góc độ pháp luật các chủ thể này được xác định là người thứ ba ngay tình.

Vấn đề bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu cũng là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Vậy pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ như thế nào? Điều kiện để được coi là thứ ba ngay tình như thế nào ?

Sau đây HTM & Partner xin được tư vấn cho Quý Khách hàng về “Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu”:

BẢO VỆ NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH KHI GIAO DỊCH DÂN SỰ VÔ HIỆU
BẢO VỆ NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH KHI GIAO DỊCH DÂN SỰ VÔ HIỆU

1.Cơ sở pháp lý

Bộ luật Dân sự năm 2015.

Bộ luật Dân sự năm 2005.

2.Nội Dung

Tại Điều 133 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

1.Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.

2.Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.

3.Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

Điều 133 BLDS 2015 về cơ bản quy định tương tự như điều 138 BLDS 2005, nhưng đã được chỉnh sửa, bổ sung quy định chi tiết và làm rõ hơn về các trường hợp chuyển giao tài sản (đối tượng của giao dịch dân sự vô hiệu đã được thực hiện trước đó) cho người thứ ba ngay tình thông qua việc xác lập giao dịch dân sự mới, thì giao dịch dân sự mới đó có hiệu lực.

Cả hai bộ luật trên đều không khái quát hóa các dấu hiệu của người thứ ba ngay tình thông qua một định nghĩa riêng. Việc đề cập đến người thứ ba ngay tình trong luật dân sự Việt Nam chỉ nằm trong khuôn khổ của một điều luật quy định về “bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu”.

Tức là, luật dân sự thay vì trước đó trả lời câu hỏi “người thứ ba ngay tình là người như thế nào” rồi sau đó trả lời câu hỏi “người thứ ba ngay tình khi nào thì được bảo vệ, khi nào không được bảo vệ” mà trả lời luôn câu hỏi thứ hai. Nhận thức đúng điều này sẽ giúp chúng ta thấy rõ, người thứ ba ngay tình không chỉ là những người được liệt kê tại Điều 133 BLDS 2015 (hay Điều 138 BLDS 2005), mà đó chỉ là những người thứ ba ngay tình mà nhà làm luật nhận thấy cần được điều chỉnh.

Cũng chính vì luật dân sự Việt Nam chỉ trả lời câu hỏi thứ hai, cho nên rất khó để khái quát một cách toàn diện các dấu hiệu của người thứ ba ngay tình. Mặc dù vậy, khi phân tích Điều 133 của BLDS 2015 cũng như quy phạm tương ứng trong BLDS 2005 thì người thứ ba ngay tình là người có những dấu hiệu sau đây:

Thứ nhất, người thứ ba ngay tình trước hết phải là người thứ ba trong mối quan hệ với giao dịch thứ nhất (đã bị coi là vô hiệu) nhưng lại là chủ thể của giao dịch dân sự thứ hai. Tài sản mà người thứ ba này nhận thông qua giao dịch thứ hai cũng đồng thời là đối tượng của giao dịch thứ nhất. Nói cách khác, người thứ ba ngay tình xuất hiện phải gắn với tiền đề là hai giao dịch chứ không thể xuất hiện với hoàn cảnh chỉ có một giao dịch. Điều này được thể hiện một cách minh thị ngay ở câu chữ trong điều luật vừa nêu.

Ở góc độ nghiên cứu, các tác giả Đỗ Văn Đại, Hoàng Thế Liên cũng từng nhấn mạnh đến tiền đề cho việc xuất hiện người thứ ba ngay tình đó là phải có hai giao dịch dân sự. Qua rà soát thực tiễn áp dụng Điều 138 BLDS 2005 (với việc mô tả hoàn cảnh người thứ ba ngay tình tương tự với Điều 133 BLDS 2015), nhận thấy đây cũng là cách hiểu trong thực tế và sẽ cho thấy cách vận dụng sắp tới, đối với Điều 133 BLDS 2015.

Thứ hai, việc xác lập giao dịch thứ hai của người thứ ba là có tính chất “ngay tình”. Luật dân sự Việt Nam cũng không định nghĩa tính chất ngay tình của người thứ ba là như thế nào mà chỉ định nghĩa về tính ngay tình của việc chiếm hữu. Và ở đây, BLDS 2015 không cho biết tính ngay tình của người thứ ba có giống với tính ngay tình của người chiếm hữu hay không. Từ đó, cũng rất khó khái quát hóa về dấu hiệu ngay tình của người thứ ba theo quy định của luật dân sự Việt Nam.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 133 BLDS 2015 có loại trừ trường hợp người chiếm hữu ngay tình mà việc nhận tài sản thông qua giao dịch không có đền bù (quy định tại Điều 167) ra khỏi các trường hợp người thứ ba ngay tình được bảo vệ. Có nghĩa là, nhà làm luật đang thừa nhận trường hợp một người nhận chuyển giao tài sản thông qua giao dịch không có đền bù với người khác có thể là người thứ ba ngay tình. Cho dù được thừa nhận tư cách là người thứ ba ngay tình nhưng không được bảo vệ vì việc nhận chuyển giao tài sản đó không gắn liền với việc đầu tư công sức, của cải nên không được hưởng quyền tại Điều 133.

Như vậy, có thể thấy, theo cách diễn đạt của Điều 133, tính ngay tình của người thứ ba có nội hàm hẹp hơn so với tính ngay tình của người chiếm hữu. Bởi lẽ, chiếm hữu thì có thể là kết quả của việc thực hiện giao dịch hoặc cũng có thể không là kết quả của một giao dịch. Nhưng tính ngay tình của người thứ ba phải gắn liền với hoàn cảnh xác lập giao dịch. Cho nên, nếu BLDS 2015 đã định nghĩa chiếm hữu ngay tình là việc người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản chiếm hữu, cho phép chúng ta có thể suy luận rằng, tính ngay tình của người thứ ba được hiểu là, người thứ ba khi xác lập giao dịch, có căn cứ để tin rằng người giao dịch với mình là người có quyền định đoạt tài sản đó. Bởi lẽ, nếu tiền đề này không bảo đảm thì việc chiếm hữu sau đó (kết quả của giao dịch) cũng không được coi là ngay tình. Như vậy, một người thứ ba ngay tình (theo Điều 133) được coi là người chiếm hữu ngay tình (theo Điều 180) nhưng ở chiều ngược lại, không phải người chiếm hữu ngay tình nào cũng là người thứ ba ngay tình tại Điều 133.

Như vậy, mặc dù sử dụng tên gọi “người thứ ba ngay tình”, song Điều 133 BLDS 2015 chỉ nói đến người thứ ba ngay tình tiếp theo tại Điều luật này mà không bao gồm người thứ ba ngay tình đầu tiên.

Đối với người thứ ba đầu tiên, BLDS 2015 cũng như BLDS 2005 gọi họ bằng một tên khác, đó là người chiếm hữu ngay tình. Việc xây dựng khái niệm chiếm hữu ngay tình trong pháp luật Việt Nam không dựa trên hoàn cảnh xuất hiện của họ là phải có bao nhiêu giao dịch làm tiền đề.

Thế cho nên, tên gọi này sẽ bao gồm người thứ ba ngay tình đầu tiên, người thứ ba ngay tình tiếp theo, một số khác nữa mà việc chiếm hữu của họ không phải là kết quả của một giao dịch dân sự. Nói khác đi, quan hệ giữa khái niệm “người thứ ba ngay tình đầu tiên” với “người chiếm hữu ngay tình” là quan hệ giữa cái riêng và cái chung mà không đồng nhất, cũng không độc lập. Do vậy, khi người chiếm hữu ngay tình là người thứ ba ngay tình đầu tiên thì phải áp dụng các quy định của pháp luật về người chiếm hữu ngay tình để xác định quyền lợi của họ được hưởng. Khi người chiếm hữu ngay tình nhưng tiền đề của việc chiếm hữu đó là hai giao dịch dân sự (tức là người thứ ba ngay tình tiếp theo) thì mới được bảo vệ quyền lợi theo Điều 133.

Tóm lại, trong luật dân sự Việt Nam, khái niệm “người thứ ba ngay tình” chỉ phản ánh đến loại “người thứ ba ngay tình tiếp theo”, mà không đề cập tới “người thứ ba ngay tình đầu tiên”.

Khái niệm

Theo từ điển giải thích thuật ngữ luật học thì: “Người thứ ba ngay tình khi tham gia giao dịch dân sự vô hiệu là người được chuyển giao tài sản thông qua giao dịch mà họ không biết, không buộc phải biết tài sản đó do người chuyển giao cho họ thu được từ một giao dịch dân sự vô hiệu”.

Như vậy, có thể hiểu, Người thứ ba ngay tình là người đang chiếm hữu tài sản ngay tình, nghĩa là người đó có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu vì không biết và không buộc phải biết rằng người đã thực hiện giao dịch với mình không có quyền chuyển giao đối với tài sản giao dịch. Họ hoàn toàn trung thực, ngay thẳng khi tham gia vào giao dịch đó. Điều đó có nghĩa là khi tham gia vào giao dịch, người này hoàn toàn tin rằng người giao dịch là người có quyền giao dịch và giao dịch đáp ứng các điều kiện để giao dịch có hiệu lực.

Bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

2.1 Điều kiện để người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi

– Một là, trước khi người thứ ba tham gia giao dịch dân sự đã có một giao dịch dân sự trước được xác lập, thực hiện nhưng giao dịch trước đó vô hiệu;

– Hai là, người thứ ba xác lập giao dịch phải ngay tình. Tức là trong trường hợp này, người thứ ba không biết hoặc không thể biết rằng mình tham gia giao dịch dân sự với người không có quyền định đoạt tài sản, hoặc đối tượng của giao dịch liên quan đến giao dịch trước đó;

– Ba là, người thứ ba tham gia vào giao dịch dân sự phải là người có đầy đủ năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự. Nếu trong trường hợp mà họ không có đầy đủ năng lực hành vi thì họ phải có người giám hộ hoặc người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật;

– Bốn là, người thứ ba đã thực hiện nghĩa vụ và hưởng những quyền dân sự trong giao dịch do họ xác lập. Nói cách khác, họ đã nhận tài sản từ giao dịch và mục đích của giao dịch đã đạt được;

– Năm là, tài sản thực hiện giao dịch phải là những tài sản phải được phép lưu thông trên thị trường. Bởi nếu là vật cấm lưu thông, thì người thứ ba buộc phải biết mình xác lập giao dịch dân sự bất hợp pháp và không tiến hành giao dịch;

– Sáu là, mục đích và nội dung của giao dịch không được trái quy định của pháp luật và đạo đức xã hội;

– Bảy là, trình tự xác lập giao dịch tuân thủ đúng trình tự pháp luật;

– Tám là, người thứ ba phải có yêu cầu được hưởng tài sản hoặc bồi thường thiệt hại khi tài sản giao dịch bị tịch thu sung quỹ Nhà nước, hoặc bị trả lại cho chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu hợp pháp.

2.2 Bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu

Giao dịch dân sự bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu, thì sẽ không phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với các bên kể từ thời điểm xác lập. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận hoặc phải bồi thường thiệt hại (nếu có), tài sản giao dịch còn có thể bị tịch thu, sung công quỹ nhà nước theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trước khi Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu, mà tài sản đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình bằng một giao dịch dân sự khác thì phảp luật sẽ tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thứ ba ngay tình đó:

– Đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp người thứ ba đó chiếm hữu tài sản này thông qua hợp đồng không có đền bù (tặng cho, thừa kế,…); nếu hợp đồng này là hợp đồng có đền bù nhằm chuyển giao tài sản bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

Theo quy định trên chủ sở hữu có quyền kiện đòi với động sản không phải đăng ký quyền sở hữu với điều kiện:

Người chiếm hữu động sản do được xác định là người chiếm hữu ngay tình;

Người chiếm hữu ngay tình tài sản đó thông qua một hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản

Lợi ích của người thứ ba không được bảo vệ và người thứ ba phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu trong hai trường hợp sau:

Giao dịch dân sự với người thứ ba không có hiệu lực cho dù đối tượng của giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu và người thứ ba là người ngay tình có được tài sản này thông qua hợp đồng không có đền bù, nhưng chủ thể của giao dịch không có quyền định đoạt tài sản thì người thứ ba phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu, trường hợp này giao dịch với người thứ ba không có hiệu lực;

Giao dịch dân sự với người thứ ba không có hiệu lực trong trường hợp người này có tài sản là động sản thông qua hợp đồng có đền bù, nhưng động sản đó đã bị lấy cắp, bị mất hoặc bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.

– Nếu giao dịch dân sự vô hiệu những đã được thực hiện xong, theo đó tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (đã hoàn thành thủ tục đăng ký quyền sở hữu, hoặc quyền chiếm hữu và co toàn quyền định đoạt tài sản), sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.

Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (người xác lập giao dịch dân sự chưa có quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản) thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua các sự kiện pháp lý có đủ căn cứ pháp lý, bao gồm: bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền; hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản. Cụ thể:

Giao dịch bị tuyên vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó tài sản này được chuyển giao cho người thứ ba bằng một giao dịch khác và người thứ ba căn cứ vào việc tài sản đã được đăng ký mà xác lập giao dịch, thì giao dịch với người thứ ba không bị vô hiệu.

Giao dịch vô hiệu bị tuyên vô hiệu mà giao dịch có đối tượng là tài sản phải đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng chưa được đăng ký, thì giao dịch với người thứ ba có đối tượng là tài sản này vô hiệu. Trong trường hợp này, quyền lợi của người thứ ba ngay tình không được bảo vệ.

Giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản là đối tượng của giao dịch đã chuyển giao cho người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa thì giao dịch với người thứ ba vẫn có hiệu lực pháp luật.

– Chủ sở hữu (người đã chuyển giao quyền chiếm hữu, quyền sử dụng tài sản cho người thứ ba thông qua giao dịch dân sự vô hiệu trước đó) không có quyền đòi lại tài sản người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự được xác lập giữa người thứ hai đối với người thứ ba ngay tình đó không bị vô hiệu. Nhưng chủ sở hữu có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ có lỗi (người thứ hai đã xác lập và thực hiện giao dịch với người thứ ba) hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.


Trên đây là phần trình bày của HTM & PARTNER về: BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH.

Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Dân sự – Hình sự – Hành chính, xin quý khách vui lòng liên hệ:

LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 0989. 111. 863
Phụ trách nội dung:ThS. LS. TRẦN VĂN HUY – Luật sư điều hành HTM & PARTNER

Địa chỉ: Số 70, Ngõ 203, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Website: https://luathtm.vn/

Email: Luathtm.vn@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/luathtm/

Zalo liên hệ Luật sư: 0989. 111. 863

Mã QR Zalo Luật sư: 


Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết tại đây: 

  1. https://tintuc.luathtm.vn/su-kien-bat-kha-khang-trong-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong-2367.html
  2. https://tintuc.luathtm.vn/binh-luan-toi-vi-pham-quy-dinh-ve-phong-chay-chua-chay-dieu-313-blhs-2371.html
  3. https://tintuc.luathtm.vn/khoi-kien-vu-an-tranh-chap-dat-dai-2230.html
  4. https://tintuc.luathtm.vn/cac-hinh-phat-theo-quy-dinh-cua-blhs-2015-2273.html
  5. https://tintuc.luathtm.vn/mien-trach-nhiem-hinh-su-theo-blhs-2015-2268.html
Leave A Reply

Your email address will not be published.

0989.111.863