TUYÊN BỐ MỘT NGƯỜI MẤT NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ
TUYÊN BỐ MỘT NGƯỜI MẤT NĂNG LỰC HÀNH VI DÂN SỰ
Hành vi dân sự là hành vi của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác trong các quan hệ tài sản và các quan hệ nhân thân phi tài sản có liên quan đến quan hệ tài sản nhằm làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hành vi dân sự được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay tồn tại rất nhiều người có vấn đề bệnh lý về tâm thần, khiến họ không nhận thức được hành vi mình thực hiện là đúng hay sai. Để bảo vệ quyền lợi cho họ, pháp luật cho phép người thân của họ yêu cầu Tòa án tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự. Vậy pháp luật quy định người mất năng lực hành vi dân sự là gì? Điều kiện để tuyên bố một người mất năng lực là gì?
Sau đây HTM & Partner xin được tư vấn cho Quý Khách hàng về “Tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự”:
1. Cơ sở pháp lý:
– Bộ Luật Dân sự năm 2015.
– Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015.
– Nghị quyết 04/2018/NQ-HĐTP.
2. Nội dung
2.1 Khái niệm
– Trước tiên chúng ta cần hiểu năng lực hành vi dân sự là gì?
Theo quy định tại Điều 19 Bộ Luật Dân sự năm 2015 giải thích về năng lực hành vi dân sự như sau: “Năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự.”
Năng lực hành vi dân sự của cá nhân được đánh giá qua hai tiêu chí là độ tuổi và khả năng nhận thức, điều khiển hành vi. Cá nhân có độ tuổi, khả năng nhận thức, điều khiển hành vi khác nhau thì có năng lực hành vi khác nhau. Tùy vào từng trường hợp nhất định mà năng lực hành vi dân sự của mỗi cá nhân là không giống nhau.
Như vậy, thông qua việc năng lực hành vi dân sự của cá nhân để biết được cá nhân đó có đủ khả năng thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự hay không, giao dịch dân sự mà cá nhân xác lập, thực hiện có hiệu lực hay không.
Vậy “người mất năng lực hành vi dân sự” là gì?
Tại Điều 22 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 22. Mất năng lực hành vi dân sự
1. Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự.
2. Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.”
– Từ quy định trên cho thấy, một người bị coi là mất năng lực hành vi dân sự khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:
+ Do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi. Tức là trong cuộc sống thường này, một người có các dấu hiệu cho thấy họ bị mất năng lực hành vi dân sự như: có những dấu hiệu bất thường về lời nói, ý tưởng, hành vi, tác phong, tình cảm,…;
+ Có yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan yêu cầu Tòa án tuyên bố người bị mắc bệnh nói trên là mất năng lực hành vi dân sự;
+ Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người mất năng lực hành vi dân sự theo yêu cầu của những chủ thể trên, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần. Khi có yêu cầu, Tòa án sẽ phối hợp với cơ quan y tế thực hiện giám định pháp y tâm thần đối với người được yêu cầu, chi phí cho việc trưng cầu giám định do người yêu cầu chịu. Việc giám định phải do tổ chức có chuyên môn là tổ chức giám định pháp y tâm thần mà không phải một tổ chức nào khác như cơ sở y tế hay phòng khám tư nhân, để đảm bảo rằng kết quả giám định là hoàn toàn chính xác và đảm bảo khách quan. Quyết định của Tòa án khi tuyên một người bị mất năng lực hành vi dân sự phải dựa trên kết quả giám định đó.
Như vậy, không phải bất cứ ai bị bệnh tâm thân và có dấu hiệu mất khả năng nhận thức và làm chủ hành vi cũng được xem là người bị mất năng lực hành vi dân sự, chỉ khi có quyết định của Tòa án tuyên một người bị mất năng lực hành vi dân sự thì người đó mới bị coi là đã mất năng lực hành vi dân sự.
2.2 Các trạng thái của năng lực hành vi dân sự cá nhân khác:
1. Hạn chế năng lực hành vi dân sự:
Tại Điều 24 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.”
Khi người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan hữu quan yêu cầu thì Toà án có thể ra quyết định tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự trong trường hợp:
– Nghiện ma tuý dẫn đến phá tán tài sản.
– Nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản.
Căn cứ ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự không cần dựa trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Toà án sẽ quyết định người đại diện theo pháp luật cùng phạm vi đại diện của người này với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Khi đó, các giao dịch liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải được người đại diện đồng ý trừ những giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người này hoặc pháp luật có quy định khác.
2. Khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Đối với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì xác định rất khó vì người đó là người không nhận thức và làm chủ hành vi của mình nhưng lại không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, quy định không cụ thể như vậy rất khó có thể phân biệt những trường hợp nào là trường hợp mất năng lực hành vi dân sự và người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, căn cứ để xác định đối với cả hai trường hợp trên là dựa vào kết luận giám định pháp y về tâm thần. Theo đó, Điều 23 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định rõ:
“1. Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.”
Theo quy định này, Tòa án sẽ ra quyết định tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi khi đáp ứng các điều kiện:
– Người thành niên không có đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự do tình trạng thể chất hoặc tinh thần.
– Có kết luận giám định pháp y tâm thần hợp pháp.
– Do chính người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người có quyền, lợi ích liên quan hoặc cơ quan, tổ chức hữu quan yêu cầu.
Từ các quy định pháp luật có thể rút ra những điểm giống nhau và khác nhau giữa mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự và khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như sau:
Về những điểm giống nhau:
- Thứ nhất, chủ thể là những người từng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
- Thứ hai, việc họ bị hạn chế hay bị mất năng lực hành vi dân sự dựa trên quyết định của Tòa án trên cở sở yêu cầu của người có quyền và lợi ích liên quan.
- Thứ ba, khi không còn căn cứ cho rằng họ bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì họ có quyền được khôi phục lại năng lực hành vi dân sự của mình.
Về những điểm khác nhau:
+ Thứ nhất, về đối tượng áp dụng:
- Người mất năng lực hành vi dân sự: Người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự.
- Người hạn chế năng lực hành vi dân sự: Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình.
+ Thứ hai, hệ quả pháp lý:
- Người mất năng lực hành vi dân sự: Giao dịch dân sự của người mất năng lực hành vi dân sự phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện.
- Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi: Giao dịch dân sự của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phụ thuộc vào quyết định của Tòa án qua việc xác định quyền và nghĩa vụ của người giám hộ do Tòa án chỉ định.
- Người hạn chế năng lực hành vi dân sự: Giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.
Trên đây là phần trình bày của HTM & PARTNER về: BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH.
Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Dân sự – Hình sự – Hành chính, xin quý khách vui lòng liên hệ:
LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 0989. 111. 863
Phụ trách nội dung: ThS. LS. TRẦN VĂN HUY – Luật sư điều hành HTM & PARTNER
Địa chỉ: Số 70, Ngõ 203, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Website: https://luathtm.vn/
Email: Luathtm.vn@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luathtm/
Zalo liên hệ Luật sư: 0989. 111. 863
Mã QR Zalo Luật sư:
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết tại đây:
- https://tintuc.luathtm.vn/su-kien-bat-kha-khang-trong-boi-thuong-thiet-hai-ngoai-hop-dong-2367.html
- https://tintuc.luathtm.vn/binh-luan-toi-vi-pham-quy-dinh-ve-phong-chay-chua-chay-dieu-313-blhs-2371.html
- https://tintuc.luathtm.vn/khoi-kien-vu-an-tranh-chap-dat-dai-2230.html
- https://tintuc.luathtm.vn/cac-hinh-phat-theo-quy-dinh-cua-blhs-2015-2273.html
- https://tintuc.luathtm.vn/mien-trach-nhiem-hinh-su-theo-blhs-2015-2268.html