BÌNH LUẬN TỘI GIẾT NGƯỜI THEO ĐIỀU 123 BLHS

BÌNH LUẬN TỘI GIẾT NGƯỜI THEO ĐIỀU 123 BLHS

Tội phạm giết người là loại tội phạm có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, sự bình yên cuộc sống của nhân dân. Người phạm tội này, căn cứ theo Ðiều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì mức cao nhất của khung hình phạt là tử hình.

Sau đây HÃNG LUẬT HTM xin được bình luận như sau:


BÌNH LUẬN VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI ĐIỀU 123 BLHS

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ

– Bộ luật Hình sự năm 2015;

– Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ.

2. NỘI DUNG

2.1. Khách thể của tội phạm:

Khách thể của Tội giết người là quan hệ xã hội về bảo vệ sự bất khả xâm phạm về tính mạng con người. Quyền sống của con người là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Cuộc sống của con người được xác định bắt đầu từ khi sinh ra cho đến khi người đó chết. Tội giết người xâm phạm trực tiếp quyền sống của con người.

Đối tượng tác động của tội phạm này là cơ thể con người còn sống.

2.2 Mặt khách quan của tội phạm:

– Hành vi khách quan của Tội giết người có thể được thực hiện qua hành động hoặc không hành động tước đoạt trái phép tính mạng của người khác như: đâm, chém, bắn, đấm đá, đốt cháy, dìm xuống nước, đầu độc, bóp cổ, chôn sống,… Các phương tiện sử dụng có thể là súng, dao, gậy, tay chân, thuốc độc,…

  • Hành động phạm tội giết người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm – quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, qua việc chủ thể làm một việc bị pháp luật cấm.
  • Không hành động phạm tội giết người là hình thức của hành vi khách quan làm biến đổi tình trạng bình thường của đối tượng tác động của tội phạm, gây thiệt hại cho khách thể của tội phạm – quyền sống, quyền được tôn trọng và bảo vệ tính mạng của con người, qua việc chủ thể không làm một việc mà pháp luật yêu cầu phải làm mặc dù có đủ điều kiện để làm.

– Hành vi tước đoạt tính mạng phải là hành vi trái pháp luật mới cấu thành Tội giết người. Nếu hành vi tước đoạt tính mạng người khác nhưng thuộc trường hợp phòng vệ chính đáng hoặc thi hành bản án tử hình thì không phạm tội giết người.

– Hậu quả trực tiếp của tội này thông thường là giết người. Để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người, cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra. Trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi nhằm tước đoạt trái phép tính mạng của người khác nhưng nạn nhân không chết (chỉ bị thương, bị cố tật hoặc không bị ảnh hưởng gì) ngoài sự mong muốn của người phạm tội (như bị bắn nhưng không trúng, nạn nhân bị đầu độc nhưng được cấp cứu kịp thời,…), thì hành vi vẫn cấu thành tội giết người (chưa đạt).

Các tính tiết định khung tăng nặng của tội giết người:

– Giết 02 người trở lên là trường hợp cùng một thời điểm người phạm tội tước đoạt trái phép tính mạng của 02 người trở lên. Trường hợp người phạm tội đã thực hiện hành vi với mục đích giết nhiều người, nhưng chỉ có một người bị chết hoặc hậu quả chết nhiều người chưa xảy ra thì vẫn bị áp dụng tình tiết định khung này.

Nếu có 02 người chết, nhưng lại có 02 người chết do lỗi vô ý của người phạm tội thì không coi là giết nhiều người mà thuộc trường hợp phạm hai tội: “Tội giết người” và “Tội vô ý làm chết người”. Nếu có 02 người chết, nhưng chỉ có 01 người thuộc trường hợp quy định tại Điều 123 BLHS, còn người kia lại thuộc trường hợp trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc thuộc trường hợp làm chết người trong khi thi hành công vụ thì cũng không định tội giết 02 người trở lên mà tùy từng trường hợp cụ thể, người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội giết người và một tội khác (giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh hoặc giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng…).

– Giết người dưới 16 tuổi là trường hợp nạn nhân là người chưa đủ 16 tuổi, không phụ thuộc vào nhận thức của người phạm tội có biết nạn nhân dưới 16 tuổi hay không.

– Giết phụ nữ mà biết là có thai là trường hợp nạn nhân bị giết là người đang có thai mà người phạm tội đã biết về điều đó (tự nhận biết hoặc nghe thông tin từ người khác). Nếu vì lý do nào đó mà người phạm tội không biết nạn nhân đang mang thai thì không áp dụng tình tiết tăng nặng này. Nếu người phạm tội giết nạn nhân nhằm trốn tránh trách nhiệm về cái thai thì thuộc trường hợp giết người vì động cơ đê hèn.

– Giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. Giết người đang thi hành công vụ là trường hợp giết nạn nhân là người đang thi hành công vụ, tức là công việc, nhiệm vụ mà cơ quan nhà nước hoặc tổ chức giao cho vì lợi ích chung của xã hội (như cán bộ thuế đang thu thuế, cán bộ kiểm lâm đang bảo vệ rừng,…) để cản trở họ thi hành công vụ. Người thực hiện một công việc vì nghĩa vụ công dân (như bắt giữ kẻ phạm tội đang chạy trốn) tuy không phải là người thi hành công vụ, nhưng nếu do công việc đó mà họ bị giết, thì họ cũng được coi như người thi hành công vụ và hành vi giết người này cũng bị coi là “giết người đang thi hành công vụ”. Giết người vì lý do công vụ là trường hợp giết nạn nhân là người sắp thi hành công vụ hoặc đã thi hành công vụ để trả thù hoặc đe dọa người khác. (Nghị quyết số 04-HĐTPTANDTC/NQ)

– Giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình là trường hợp giết người mang tính chất phản trắc, bội bạc; giết người mà lẽ ra người phạm tội phải có nghĩa vụ kính trọng theo truyền thống đạo đức, tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam:

  • Ông, bà gồm ông, bà nội (là người sinh ra bố của người phạm tội), ông, bà ngoại (là người sinh ra mẹ của người phạm tội);
  • Cha, mẹ được hiểu là cha, mẹ đẻ (là người đã sinh ra người phạm tội) hoặc cha, mẹ nuôi (là người nhận người phạm tội làm con nuôi được pháp luật thừa nhận);
  • Người nuôi dưỡng là người chăm sóc, quản lý, giao dụng người phạm tội như vai trò của bố mẹ người phạm tội;
  • Thầy giáo, cô giáo của mình là người đã hoặc đang làm công tác giảng dạy theo biên chế, theo hợp đồng tại cơ quan, tổ chức có chức năng giáo dục, đào tạo, dạy nghề. Người phạm tội giết nạn nhân vì lý do nạn nhân thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, dạy nghề của họ đối với người phạm tội, không phân biệt nhiệm vụ đó đã hay đang được thực hiện và không kể thời gian dài hay ngắn.(Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP)

– Giết người mà liền trước đó hoặc ngay sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy chưa có giải thích hoặc hướng dẫn như thế nào là “liền trước đó” hoặc “ngay sau đó”, nhưng chúng ta có thể hiểu là trường hợp vừa kết thúc tội phạm trước đã thực hiện ngay tội phạm sau. Hành vi phạm tội này thể hiện tính nguy hiểm cao cho xã hội (trong một thời gian rất ngắn phạm 02 tội: tội giết người và tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác). Trong trường hợp này, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội: tội giết người (điểm e khoản 1 Điều 123) và tội phạm rất nghiêm trọng (tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến 15 năm tù) hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng (tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên 15 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình).

– Để thực hiện hoặc che giấu tội phạm khác: để thực hiện tội phạm khác là trường hợp người phạm tội muốn thực hiện một tội phạm nhưng bị người khác gây cản trở, khó khăn nên đã giết người đó để thực hiện tội phạm này. Để che giấu tội phạm khác là trường hợp người phạm tội sau khi phạm một tội nào đó, sợ bị phát hiện, tố cáo nên đã giết nạn nhân để che giấu tội phạm đã thực hiện (như hiếp dấm xong rồi giết nạn nhân để che giấu tội phạm). Trong trường hợp này người phạm tội bị xử lý về hai tội: tội hiếp dâm và tội giết người (điểm g, khoản 1 Điều 123), hình phạt được quyết định đối với mỗi tội phạm và tổng hợp thành hình phạt chung.

– Để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân (như tim, gan, thận,…) là trường hợp giết người nhằm lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân với bất kỳ mục đích nào (nghiên cứu khoa học, lấy bộ phận của cơ thể để cứu sống người khác…). Cần chú ý: tội giết người để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân khác với tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể (Điều 154) ở chỗ trong giết người để lấy bộ phận cơ thể,… mục đích của người phạm tội là tước đoạt tính mạng của người khác để lấy bộ phận cơ thể (như: tim, gan, thận,…) của nạn nhân, còn trong tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể thì người phạm tội dùng tiền hoặc lợi ích vật chất để trao đổi, mua bán mô, bộ phận cơ thể người như một loại hàng hóa, hoặc tuy có hành vi chiếm đoạt mô, bộ phận cơ thể người nhưng không có mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân.

– Thực hiện tội phạm một cách man rợ là trường hợp hành vi phạm tội thể hiện không còn tính người, dùng các thủ đoạn gây khiếp sợ, đau đớn cao độ đối với nạn nhân trước khi chết hoặc gây sự khủng khiếp rùng rợn trong xã hội… như xẻo thịt, moi gan, khoét mắt, chặt chân tay, chặt thi thể ra từng khúc, tra tấn nạn nhân cho tới chết,… Người phạm tội thực hiện các hành vi này trước khi nạn nhân bị chết.

– Bằng cách lợi dụng nghề nghiệp là trường hợp người phạm tội đã sử dụng khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của mình để giết người như thầy thuốc lợi dụng việc chữa bệnh đã tiêm thuốc hoặc cho nạn nhân uống thuốc gây chết người, người lái đò giả làm đắm đò để giết nạn nhân. Lợi dụng nghề nghiệp để giết người là phạm tội với thủ đoạn rất xảo quyệt, nên nhà làm luật không chỉ dừng lại ở quy định là tình tiết tăng nặng mà coi thủ đoạn này là tình tiết định khung hình phạt.

Phải xác định rõ người phạm tội đã lợi dụng nghề nghiệp của mình để giết người thì mới thuộc trường hợp phạm tội này. Nếu người có hành vi giết người bằng phương pháp có tính chất nghề nghiệp, nhưng đó không phải là nghề nghiệp của y mà lại lợi dụng người có nghề nghiệp đó rồi thông qua người này thực hiện ý đồ của mình thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Một kẻ đã đánh tráo ống thuốc tiêm của y tá điều trị, thay vào đó một ống thuốc giả có nhãn hiệu như ống thuốc thật, nhưng có độc tố mạnh để mượn tay người y tá giết chết bệnh nhân mà y có thù oán.

– Bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người là trường hợp người phạm tội nhằm giết một người nhưng đã sử dụng phương tiện có tính nguy hiểm cao, có thể gây tử vong cho nhiều người khác (như: ném lựu đạn vào chỗ đông người; bắn liên thanh vào đám đông; bỏ thuốc độc vào bể nước chung,…). Hậu quả xảy ra (chết người mà người phạm tội mong muốn hoặc chết nhiều người hay không có ai bị) không phải là bắt buộc.

– Thuê giết người hoặc giết người thuê: thuê giết người là trường hợp người phạm tội không trực tiếp hành động, mà giấu mặt, dùng tiền hoặc lợi ích vật chất, tinh thần để yêu cầu người khác thực hiện hành vi giết người. Giết người thuê là hành vi của người mà trước đó không có ý thức muốn giết người khác nhưng vì được người khác thuê nên đã thực hiện hành vi giết người theo yêu cầu của người thuê để nhận được những lợi ích nhất định. Thuê giết người và giết người thuê có mối quan hệ mật thiết với nhau, cái này là tiền đề của cái kia, thiếu một trong hai cái thì không có trường hợp giết người này xảy ra (có người thuê mới có người làm thuê).

– Có tính chất côn đồ là trường hợp khi giết người, người phạm tội rõ ràng đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống, có những hành vi ngang ngược, giết người vô cớ (không có nguyên cớ) hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người.

– Có tổ chức là trường hợp có từ 02 người trở lên cùng thực hiện việc giết người mà giữa họ có sự cấu kết chặt chẽ, có sự phân công vai trò, trách nhiệm trong khi thực hiện hành vi phạm tội.

– Tái phạm nguy hiểm là trường hợp người phạm tội đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội giết người hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội giết người.

– Vì động cơ đê hèn là trường hợp giết người vì tính ích kỷ, phản trắc, bội bạc (như: giết vợ hoặc chồng để lấy người khác; giết người tình mà biết họ có thai với mình để trốn tránh trách nhiệm; giết chủ nợ để quỵt nợ…). Để áp dụng tình tiết này cần phải xác định rõ động cơ của người phạm tội.

3. Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của Tội giết người có thể là bất kỳ người nào từ đủ 14 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, trong một số trường hợp chủ thể của tội phạm là chủ thể đặc biệt (như là con, cháu; người có trách nhiệm nuôi dưỡng người khác, học trò; người có nghề nghiệp nhất định.

4. Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội giết người được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Trong một số trường hợp (như vì động cơ đê hèn, để thực hiện hoặc để che giấu tội phạm khác,…), động cơ, mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm để xử lý đối với các trường hợp có tình tiết tăng nặng này.

5. Hình phạt

– Khung 1: quy định phạt từ từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong trường hợp có tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 1.

– Khung 2: quy định phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1.

– Khung 3: quy định phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người chuẩn bị phạm tội này.

Hình phạt bổ sung: ngoài hình phạt chính thức, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.

Lưu ý: hành vi của người phạm tội chỉ với ý thức làm cho nạn nhân bị thương nhưng vì vết thường nặng mà dẫn đến chết người thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Hành vi của người phạm tội tấn công làm cho nạn nhân bị chết nhằm chiếm đoạt tài sản bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội: Tội giết người (điểm g khoản 1) và Tội cướp tài sản.


Trên đây là phần trình  của HÃNG LUẬT HTM về vấn đề “BÌNH LUẬN TỘI GIẾT NGƯỜI THEO ĐIỀU 123 BLHS”.

 

Quý khách có nhu cầu được tư vấn và hỗ trợ pháp lý, xin vui lòng liên hệ:

Điện thoại: 0989 111 863  | 0359 759 200             Email: luathtm.vn@gmail.com    

Địa chỉ: Tầng 6, số 3 ngõ 39 phố Phạm Tuấn Tài, Cổ Nhuế 1, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.     

Fanpage: https://www.facebook.com/luathtm/             Website: https://luathtm.vn/

Zalo liên hệ Luật sư: 0989 111 863  –  Mã QR Zalo Luật sư:  


Tham khảo thêm: 

1. https://tintuc.luathtm.vn/gia-dinh-chau-cua-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-duoc-giam-nhe-trach-nhiem-hinh-su-khong-2427.html

2. https://tintuc.luathtm.vn/tu-che-su-dung-phao-trai-phep-se-bi-xu-ly-the-nao-2408.html

3. https://tintuc.luathtm.vn/an-treo-dieu-kien-de-duoc-huong-an-treo-theo-blhs-2015

4. https://tintuc.luathtm.vn/khoi-kien-vu-an-hanh-chinh-2030.html

5. https://tintuc.luathtm.vn/khoi-kien-vu-an-tranh-chap-dat-dai-2230.html

6. https://tintuc.luathtm.vn/cac-hinh-phat-theo-quy-dinh-cua-blhs-2015-2273.html

Comments (0)
Add Comment