Tội phạm trộm cắp hiện nay chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số các vụ phạm pháp hình sự, chúng hoạt động với nhiều thủ đoạn khác nhau và thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi xảo quyệt, xâm hại trực tiếp đến tài sản của tổ chức và cá nhân. Đây là một hành vi phạm pháp nghiêm trọng và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội.
Sau đây HTM & Partner xin được bình luận về tội danh này:
1. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ Luật Hình sự năm 2015;
– Tham khảo Thông tư liên tục số: 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP.
2. NỘI DUNG
Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
2.1 Khách thể của tội phạm
Khách thể của tội trộm cắp tài sản là quyền sở hữu tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản (khoản 1 Điều 105 BLDS 2015 quy đinh: tài sản là vật, tiền giấy tờ có giá trị và các quyền tài sản). Tuy nhiên, việc chiếm đoạt giấy tờ có giá và các quyền tài sản không đồng nghĩa với việc chiếm đoạt được tài sản (ví dụ: việc mất Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không đồng nghĩa với việc người chủ sở hữu nhà đất mất quyền sở hữu tài sản; khi trộm cắp sổ tiết kiệm thì người thực hiện hành vi trộm cắp không có giấy tờ ủy quyền nên không thể rút được tiền trong ngân hàng)
2.2 Khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi lén lút chiếm đoạt trái phép tài sản của người khác, tức là khi thực hiện những hành vi giấu giếm, vụng trộm một cách cố ý không cho chủ tài sản biết hành vi chiếm đoạt của mình. Người thực hiện hành vi có ý thức giấu giếm hành vi chiếm đoạt của mình, che giấu hành vi đó đối với chủ tài sản (Còn đối với những người khác thì ý thức che giấu hành vi này có thể có cũng có thể không).
Hành vi này chỉ cấu thành tội trộm cắp tài sản khi tài sản bị chiếm đoạt có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên. Trường hợp một người thực hiện nhiều lần trộm cắp tài sản, nhưng mỗi lần giá trị tài sản dưới 2.000.000 đồng và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều luật này, trong đó chưa lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này theo tổng số giá trị tài sản các lần xâm phạm.
Nếu tài sản bị chiếm đoạt có giá trị dưới 2.000.000 đồng, thì người vi phạm bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm là trường hợp đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản (như cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cưỡng đoạt tài sản;…), chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.
b. Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều: Điều 168 (Tội cướp tài sản), Điều 169 (Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản); Điều 170 (Tội cưỡng đoạt tài sản), Điều 171 (Tội cướp giật tài sản), Điều 172 (Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản), Điều 174 (Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản), Điều 175 (Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản) và Điều 290 (Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản) cảu Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c. Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d. Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ là trường hợp người phạm tội đã chiếm đoạt phương tiện, công cụ sản xuất, kinh doanh,… mà nguồn thu nhập chính (chủ yếu) của người bị hại và gia đình họ dựa vào đó (như chiếm đoạt xe máy, xe chở hàng của người làm nghề xe ôm, chở hàng thuê; chiếm đoạt máy ép nước mía của người bán nước mía,…).
2.3 Chủ thể của tội phạm
Chủ thể của tội phạm có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự; người đủ 14 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi (khoản 3 và khoản 4 điều này) có năng lực trách nhiệm hình sự.
Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
2.4 Chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả do hành vi của người mình gây ra và mong muốn hậu quả đó xảy ra. Mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này.
3. HÌNH PHẠT
* Khung 1: quy định phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1.
* Khung 2: quy định phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
a. Có tổ chức là trường hợp có từ 02 người trở lên cố ý cùng tham gia phạm tội cướp tài sản và có sự thống nhất với nhau về ý chí.
Theo khoản 2 Điều 17 Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.” Trong đó có một hoặc một số người thực hành và có thể có người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức;
b. Có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp có từ 05 lần trở lên phạm tội trộm cắp tài sản, trong đó có lần đã bị xét xử nhưng chưa được xóa án tích hoặc chưa lần nào bị xét xử và chưa lần phạm tội nào hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; và người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
c. Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 90.000.000 đến dưới 200.000.000 đồng;
Khi áp dụng tình tiết này cần chú ý: giá trị tài sản bị trộm được xác định theo giá thị trường tại tại địa phương vào thời điểm tài sản bị cướp. Tuy nhiên:
+ Trong trường hợp có đầy đủ cằn cứ chứng minh rằng người có hành vi xâm phạm sở hữu có ý định xâm phạm đến tài sản có giá trị cụ thể theo ý thức chủ quan của họ, thì lấy giá trị tài sản đó để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi xâm phạm.
+ Trường hợp có đầy đủ căn cứ chứng minh người phạm tội có ý định xâm phạm tài sản, nhưng không quan tâm đến giá trị, thì lấy giá thị trường của tài sản bị trộm tại địa phương vào thời điểm tài sản bị xâm phạm để xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự.
+ Trường hợp tài sản không còn, thì cần xác định: đó là tài sản gì; nhãn mác của tài sản đó; giá trị tài sản tại địa phương,… để kết luận về giá trị tài sản bị xâm phạm.
d. Dùng thủ đoạt xảo quyệt, nguy hiểm là trường hợp trước khi thực hiện hành vi trộm cắp thì người phạm tội có những mánh khóe, cách thức gian dối một cách tinh vi để thực hiện hành vi phạm tôi, che giấu tội phạm, đổi tội cho người khác, thâm hiểm làm cho người bị hại và những người khác khó lường trước để đề phòng.
đ. Hành hung để tẩu thoát là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công họ nhằm chiếm đoạt cho được tài sản.
e. Tài sản là bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học;
g. Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý (xem khoản 2 Điều 53 BLHS 2015).
* Khung 3: quy định phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
a. Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b. Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh là trường hợp người phạm tội lợi dụng vào hoàn cảnh khó khăn đặc biệt do thiên tai (bão, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, hỏa hoạn, động đất,…) hoặc dịch bệnh (là sự lây lan nhanh chóng của một bệnh truyền nhiễm với số lượng lớn những người bị nhiễm trong một cộng đồng hoặc một khu vực trong một thời gian ngắn, thường là hai tuần hoặc ít hơn) gây ra để thực hiện hành vi phạm tội cướp tài sản. Mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội trong trường hợp này phụ thuộc vào phạm vi, mức độ của thiên tai, dịch bệnh hoặc tính chất, mức độ của những khó khăn khác của xã hội trong tình trạng thiên tai, dịch bệnh.
* Khung 4: quy định phạt tù từ 12 năm đến 20 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
a. Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp: tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố trong thời gian từ khi nước nhà bị xâm lược cho tới khi hành động xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế. Tình trạng khẩn cấp về quốc phòng là trạng thái xã hội của đất nước khi có nguy cơ trực tiếp bị xâm lược hoặc xảy ra hành động vũ trang xâm lược hoặc bạo loạn nhưng chưa đến mức tuyên bố tình trạng chiến tranh. Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp để phạm tội là trường hợp người phạm tội đã lợi dụng các hoàn cảnh đặc biệt này để thực hiện tội phạm. Mức độ nguy hiểm của hành vi cướp tài sản trong trường hợp này phụ thuộc vào tính chất của hoàn cảnh chiến tranh; tính chất, mức độ của tình trạng khẩn cấp.
Hình phạt bổ sung: ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Trên đây là phần trình bày của HTM & PARTNER về: BÌNH LUẬN TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN THEO ĐIỀU 173 BLHS.
Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Dân sự – Hình sự – Hành chính, xin quý khách vui lòng liên hệ:
LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 0989. 111. 863
Phụ trách nội dung:ThS. LS. TRẦN VĂN HUY – Luật sư điều hành HTM & PARTNER
Địa chỉ: Số 70, Ngõ 203, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Website: https://luathtm.vn/
Email: Luathtm.vn@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luathtm/
Zalo liên hệ Luật sư: 0989. 111. 863
Mã QR Zalo Luật sư:
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết tại đây:
- https://tintuc.luathtm.vn/gia-dinh-chau-cua-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-duoc-giam-nhe-trach-nhiem-hinh-su-khong-2427.html
- https://tintuc.luathtm.vn/tu-che-su-dung-phao-trai-phep-se-bi-xu-ly-the-nao-2408.html
- https://tintuc.luathtm.vn/an-treo-dieu-kien-de-duoc-huong-an-treo-theo-blhs-2015
- https://tintuc.luathtm.vn/khoi-kien-vu-an-hanh-chinh-2030.html
- https://tintuc.luathtm.vn/khoi-kien-vu-an-tranh-chap-dat-dai-2230.html
- https://tintuc.luathtm.vn/cac-hinh-phat-theo-quy-dinh-cua-blhs-2015-2273.html