Hành vi nhận hối lộ hiện nay đang là vấn đề “nóng” trong xã hội hiện nay. Bởi, nó ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hàng ngày, từ sự công bằng và minh bạch trong xã hội đến sự phát triển kinh tế và chính trị. Điều này đã và đang làm suy thoái đạo đức cán bộ, làm mất đi sự tin tưởng của người dân đối với hệ thống bộ máy cơ quan Nhà nước.
Sau đây HTM & Partner xin được bình luận về tội danh này:
1. CƠ SỞ PHÁP LÝ
– Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017;
– Nghị quyết số: 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020;
– Luật Phòng, Chống Tham Nhũng 2018.
2. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
Điều 354. Tội nhận hối lộ
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên;
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”
2.1. Về khách thể của tội phạm:
– Khách thể của tội nhận hối lộ là hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức; lợi ích của nhà nước, của các tổ chức và của công dân. Hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức là hoạt động được tiến hành trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cơ quan, tổ chức đó. Mọi hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức có thể gây thiệt hại (về vật chất hoặc phi vật chất) cho lợi ích của Nhà nước, của xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
– Đối tượng tác động của tội phạm này là tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất.
- Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá trị và quyền tài sản. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai.
- Lợi ích vật chất khác có thể là quyền được ưu tiên, ưu đãi, được miễn giảm thuế, tài trợ kinh phí đi du học, du lịch.
- Lợi ích phi vật chất, tức là thay cho việc nhận lợi ích vật chất (vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản,…) như: những lợi ích về tinh thần (hứa hẹn cho tốt nghiệp, nâng điểm thi,…); người có chức vụ, quyền hạn nhận quan hệ tình dục với người đưa hối lộ; nhận thông tin (về thăng chức, bí mật thương mại, thông tin mật về kết án,…) của người đưa hối lô; nhận thành tích (người đưa hôi lộ chuyển thành tích, công việc của mình cho cấp trên được hưởng,…).
2.2. Về khách quan của tội phạm:
– Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn (trực tiếp hoặc qua trung gian) nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào hoặc lợi ích phi vật chất) để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn,… là hành vi của người có chức vụ đã lợi dụng quyền hạn (quyền năng) trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ công tác của mình để làm trái, làm hoặc không làm một công việc vì lợi ích của người đưa hối lộ.
- Người nhận hối lộ có thể trực tiếp hoặc qua môi giới (trung gian) để nhận hoặc sẽ nhận của hối lộ (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc phi vật chất). Thời điểm nhận của hối lộ có thể xảy ra trước hoặc sau khi “làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ”.
- Thỏa thuận làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Đây là thỏa thuận về việc người có chức vụ, quyền hạn thực hiện hoặc không thực hiện một việc mà họ có nhiệm vụ phải làm. Trường hợp thỏa thuận làm một việc không thuộc phạm vi quyền hạn của mình, thì người nhận hối lộ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357).
– Hậu quả của phạm cũng là một dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội nhận hối lộ. Hành vi nhận hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi của hối lộ là tiền, tài sản, lợi ích vật chất có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc lợi ích phi vật chất. Trường hợp tiền, tài sản, lợi ích vật chất có giá trị dưới 2.000.000 đồng, thì hành vi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này nếu thuộc các trường hợp sau:
- Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm trường hợp người vi phạm đã bị kỷ luật về hành vi nhận hối lộ, chưa biết thời hạn được coi là chưa bị kỷ luật, nay lại nhận hối lộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất có giá trị dưới 2.000.000 đồng.
- Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương XXIII (như tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lạm quyền trong khi thi hành công vụ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và tội giả mạo trong công tác), chưa được xóa án tích, lại nhận hối lộ tiền, tài sản… có giá trị dưới 2.000.000 đồng.
2.3. Chủ thể của tội phạm:
Chủ thể của tội phạm chỉ có thể là những người có chức vụ, quyền hạn nhất định trong các cơ quan, tổ chức. Những người này có thể người do bổ nhiệm, do dân bầu cử, do hợp đồng hoặc do có một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, bao gồm:
– Cán bộ, công chức, viên chức;
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân;
– Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp của Nhà nước;
– Cán bộ lãnh đạo, quản lý là người đại diện cho phần vốn của Nhà nước tại doanh nghiệp;
– Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.
– Những người khác (không phải là người có chức vụ) có thể là chủ thể của các tội phạm này với vai trò đồng phạm.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm:
Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để làm hay không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là nguy hiểm cho xã hội, mong muốn làm hoặc không làm việc đó nhằm mục đích nhận được của hối lộ đã thỏa thuận trước với người đưa hối lộ. Động cơ phạm tội là vụ lợi.
3. HÌNH PHẠT
– Khung 1: quy định phạt tù từ 02 năm đến 07 năm áp dụng đối với người phạm tội nhận hối lộ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1.
– Khung 2: quy định phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có tổ chức: là trường hợp có đồng phạm, có sự kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm. Trong đó có thể có cả người có chức vụ, quyền hạn và người không phải người có chức vụ.
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn: đây là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn làm một việc vượt quá chức vụ, quyền hạn của mình vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.
c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
đ) Phạm tội 02 lần trở lên: là trường hợp người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi quy định tại các điều này từ 02 lần trở lên và mỗi hành vi đều cấu thành tội phạm, nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước: là trường hợp người nhận hối lộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác thuộc quyền sở hữu của Nhà nước.
g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt: đòi hối lộ, sách nhiễu là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn chủ động đòi hỏi một cách trắng trợn hoặc đe dọa làm cho người có việc lo sợ cho rằng nếu không đưa tiền, tài sản hoặc không đáp ứng lợi ích vật chất, phi vật chất, thì quyền lợi của mình sẽ bị xâm phạm; dùng thủ đoạn xảo quyệt là trường hợp người phạm tội hành động một cách tinh vi, gian ngoan để thực hiện hoặc che giấu hành vi của mình làm cho việc phát hiện tội phạm gây khó khăn.
– Khung 3: quy định phạt tù từ từ 15 năm đến 20 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
– Khung 4: quy định phạt tù từ phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
* Hình phạt bổ sung: ngoài hành phạt chính, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
4. SO SÁNH ĐIỀU 279 BLHS 1999 VỚI ĐIỀU 354 BLHS 2015:
– Thay cụm từ “tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác” bằng cụm từ “bất kỳ lợi ích nào”; bổ sung cụm từ “lợi ích phi vật chất” và quy định (khoản 6) về xử lý hành chính nhận hối lộ của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước. Việc thay đổi, bổ sung này nhằm bao quát đầy đủ các trường hợp nhận hối lộ trong thực tiễn. Không chỉ trực tiếp dưới dạng tài chính hay vật chất mà bao gồm cả những lợi ích không vật chất như lợi ích vị thế, dịch vụ và ưu đãi cá nhân; không chỉ trong khu vực công mà còn trong khu vực tư, góp phần tạo ra một môi trường minh bạch và công bằng. Bên cạnh đó, cũng phản ánh đúng bản chất của tham nhũng và giúp phòng ngừa các kẽ hở pháp lý và làm cho việc truy cứu trách nhiệm trở nên hiệu quả hơn.
– Thay các tình tiết: “hậu quả nghiêm trọng”; “hậu quả nghiêm trọng khác, rất nghiêm trọng khác, đặc biệt nghiêm trong khác”, bằng các tình tiết định lượng cụ thể; “phạm tội nhiều lần” bằng “phạm tội từ 02 lần trở lên”. Việc thay thế các tình tiết mô tả một cách chung chung bằng các tính định lượng cụ thể nhằm mục đích làm làm cho các quy định trở nên rõ ràng, dễ hiểu và áp dụng một cách công bằng và khách quan, từ đó nâng cao hiệu quả của hệ thống pháp luật.
– Nâng mức tối đa, tối thiểu trị giá tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác từ “10.000.000 đồng” , “50.000.000 đồng” và “300.000.000 đồng” lên các mức tương ứng “100.000.000 đồng”. “500.000.000 đồng” và “1.000.000.000 đồng”. Quy định cụ thể hình phạt bổ sung: phạt tiền “từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng” thay cho từ “01 lần đến 05 lần giá trị của hối lộ”. Nâng mức tối đa và tối thiểu trị giá tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đã thể hiện được sự thích ứng và cập nhật của pháp luật để đối mặt với những thách thức mới và đảm bảo rằng pháp luật luôn phản ánh đúng mức độ nghiêm trọng của các hành vi phạm tội, đồng thời đảm bảo hình phạt có tính răn đe và phù hợp với giá trị xã hội hiện hành.
Trên đây là phần trình bày của HTM & PARTNER về: BÌNH LUẬN TỘI NHẬN HỐI LỘ THEO ĐIỀU 354 BLHS.
Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Dân sự – Hình sự – Hành chính, xin quý khách vui lòng liên hệ:
LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 0989. 111. 863
Phụ trách nội dung:ThS. LS. TRẦN VĂN HUY – Luật sư điều hành HTM & PARTNER
Địa chỉ: Số 70, Ngõ 203, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Website: https://luathtm.vn/
Email: Luathtm.vn@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luathtm/
Zalo liên hệ Luật sư: 0989. 111. 863
Mã QR Zalo Luật sư:
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết tại đây:
- https://tintuc.luathtm.vn/gia-dinh-chau-cua-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-duoc-giam-nhe-trach-nhiem-hinh-su-khong-2427.html
- https://tintuc.luathtm.vn/tu-che-su-dung-phao-trai-phep-se-bi-xu-ly-the-nao-2408.html
- https://tintuc.luathtm.vn/an-treo-dieu-kien-de-duoc-huong-an-treo-theo-blhs-2015
- https://tintuc.luathtm.vn/khoi-kien-vu-an-hanh-chinh-2030.html
- https://tintuc.luathtm.vn/khoi-kien-vu-an-tranh-chap-dat-dai-2230.html
- https://tintuc.luathtm.vn/cac-hinh-phat-theo-quy-dinh-cua-blhs-2015-2273.html