QUYỀN NUÔI CON KHI LY HÔN THEO LUẬT HNGĐ 2014
QUYỀN NUÔI CON KHI LY HÔN THEO LUẬT HNGĐ 2014
Con cái và tài sản là hai yêu cầu thường xuyên tranh chấp trong các vụ án hôn nhân và gia đình. Sau khi ly hôn, ai là người có quyền nuôi con và nghĩa vụ cấp dưỡng cho con của người không trực tiếp nuôi con được thực hiện như thế nào là vấn đề thường khó thống nhất khi giải quyết trong các vụ án về hôn nhân và gia đình.
Sau đây HTM & Partner xin được tư vấn cho Quý Khách Hàng về ” QUYỀN NUÔI CON KHI LY HÔN THEO LUẬT HNGĐ 2014″:
1. Căn Cứ Pháp Lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
- Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
- Bộ luật Hình năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
2. NỘI DUNG TƯ VẤN
Quyền nuôi con trong vấn đề hôn nhân cơ bản thường gặp đó là việc khi vợ chồng ly hôn; tuy nhiên có một trường hợp khá phổ biến hiện nay đó là nam, nữ chung sống như vợ chồng không có đăng ký kết hôn nhưng có con chung.
2.1 Các trường hợp có sự tranh chấp về quyền nuôi con
Theo quy định tại khoản 1 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom; chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên; con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này; Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Theo quy định trên, sự tranh chấp về quyền nuôi con sẽ xảy ra khi:
+ Con chưa đủ tuổi thành niên
+ Con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình
Như vậy:
Không phải lúc nào khi ly hôn cũng tranh chấp về nuôi con. Trong trường hợp vợ, chồng đã thỏa thuận được về quyền nuôi con thì Tòa án sẽ dựa vào sự thỏa thuận của vợ, chồng để quyết định người nuôi con.
Trường hợp không thể thỏa thuận được thì Tòa án sẽ dựa vào những điều kiện cụ thể của hai người và quyết định trao cho người đó quyền nuôi con.
2.2 Quyền nuôi con đối với từng trường hợp cụ thể
2.2.1 Quyền nuôi với trường hợp
Đối với trường hợp này trong thực tế là không có sự tranh chấp về quyền nuôi con.
Quyền nuôi con đã được vợ, chồng thỏa thuận rõ ràng là ai sẽ là người nuôi con và ai sẽ là người cấp dưỡng khi nuôi con.
Tuy nhiên trong trường hợp người nuôi con vi phạm nghĩa vụ đối với con cái thì người còn lại hoàn toàn có thể kiện yêu cầu giành lại quyền nuôi con.
2.2.2 Quyền nuôi con với trường hợp ly hôn theo yêu cầu từ một phía
Với trường hợp này, khi ly hôn sự tranh chấp về quyền nuôi con trở nên rõ ràng; căng thẳng hơn bao giờ hết.
Lúc này để nói rằng ai có lợi thế về việc giành quyền nuôi con thì cần phải xét cụ thể từng điều kiện cụ thể.
a) Điều kiện 1: Tuổi của người con.
Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi; trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Căn cứ vào quy định trên, độ tuổi của người con đối với việc giành quyền nuôi con của người vợ, người chồng sẽ được chia thành 03 độ tuổi như sau:
– Từ 0 đến 36 tháng tuổi
– Từ 36 tháng tuổi đến 07 tuổi
– Từ 07 tuổi trở lên
+ Đối với người con dưới 36 tháng tuổi thì được giao cho người mẹ trực tiếp nuôi dưỡng; trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục.
Thực tế cho thấy ở độ tuổi dưới 36 tháng, người con được giao cho người mẹ nuôi là điều hoàn toàn hợp lý. Xét về mặt sinh lý thì ở độ tuổi này, người con cần người mẹ hơn là cần người bố.
+ Trường hợp người con đủ từ 36 tháng tuổi đến 07 tuổi.
Trường hợp này không được quy định theo pháp luật hiện nay, nhưng thực chất ở độ tuổi này người bố và người mẹ có thể thỏa thuận về vấn đề này. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ quyết định giao người con cho một bên nuôi dưỡng căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con.
+ Người con trên 07 tuổi.
Đây là độ tuổi mà vấn đề giành quyền nuôi con không phụ thuộc hoàn toàn vào các điều kiện của cả người bố và người mẹ như hai trường hợp trên nữa mà lúc này sẽ thuận theo ý nguyện của người con.
b) Điều kiện 3: về đạo đức của người nuôi dưỡng
Đây có thể nói là điều kiện quyết định đến việc ai là người nuôi con khi chấm dứt mối quan hệ hôn nhân.
Một người chồng thường xuyên có hành động bạo lực với người vợ; hay thường xuyên rượu bia say xỉn; nghiện ma túy; cờ bạc; ngoại tình thì không thể nói đó là một người bố tốt và có thể đảm bảo sự phát triển của người con.
Đạo đức của người nuôi dưỡng ảnh hưởng đến đứa con là rất lớn; một người nuôi dưỡng tồi thì không thể đảm bảo đứa trẻ trưởng thành với nhân cách tốt. Nhưng một người nuôi dưỡng có đạo đức tốt thì sự trưởng thành của đứa trẻ sẽ được đảm bảo hơn về mặt nhân cách.
c) Điều kiện 2: về nơi ở, nuôi dưỡng
Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để xét xem người chồng hay người vợ có quyền được nuôi con.
– Điều kiện về nơi ở.
Điều kiện này nhằm đảm bảo người nuôi con có một nơi ở ổn định, đảm bảo cho người con có nơi ở ổn định không phải di chuyển vì nơi ở không ổn định. Hơn nữa một nơi ở ổn định, phù hợp, người con sẽ phát triển ổn định về sức khỏe cũng như nhân cách.
Việc phải di chuyển nơi ở, nơi ở không ổn định sẽ ảnh hưởng đến người con vì phải thích nghi với môi trường mới, trở lên cô lập và phải gồng mình hòa đồng với những đứa trẻ mới lạ xung quanh, điều này không tốt cho sự phát triển của trẻ nhỏ.
– Điều kiện về nuôi dưỡng.
Sự nuôi dưỡng thực chất là điều kiện về kinh tế của người nuôi con. Một công việc ổn định, có thu nhập ổn định hàng tháng và khoản cấp dưỡng từ người có nghĩa vụ cấp dưỡng là điều kiện kinh tế đủ để nuôi dưỡng người con về những vấn đề như ăn uống, chăm sóc sức khỏe, học tập hay những trường hợp đột xuất như ốm đau bệnh tật.
Tóm lại:
Quyền nuôi con là quyền của cả người chồng và người vợ.
Trường hợp vợ, chồng đã thỏa thuận được quyền nuôi con thì Tòa án tôn trọng sự thỏa thuận của vợ, chồng. Trong trường hợp không thể thỏa thuận thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con và đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho người con.
2.3 Quyền và nghĩa vụ của người không nuôi con sau khi ly hôn
2.3.1 Quyền thăm nom khi không trực tiếp nuôi con
Theo quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Như vậy dù không được trực tiếp nuôi con; để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người không nuôi con cùng với tôn trọng tình cảm cha mẹ con cái được pháp luật bảo vệ; người không nuôi con được quyền thăm nom con cái mà không ai được cản trở.
Tuy nhiên, cũng theo khoản 3 Điều này không thể lấy lý do thăm nom để cản trở; gây ảnh hưởng xấu đến việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.
Khi đó, người có trách nhiệm nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom.
Theo quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và Gia đình :
1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
b) Phá tán tài sản của con;
c) Có lối sống đồi trụy;
d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.
2.3.2 Quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng cho người trực tiếp nuôi con
Theo khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con để chia sẻ bớt một phần tài chính cho người trực tiếp nuôi con.
Việc cấp dưỡng cho con do người vợ, chồng tự thỏa thuận với nhau.
– Có thể thỏa thuận cấp dưỡng như sau:
+ Cấp dưỡng một lần:
Điều này có nghĩa người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng một lần cho toàn bộ chi phí của người con cho tới khi người con đủ 18 tuổi. Đây là trường hợp cấp dưỡng rất hiếm khi gặp trong thực tế.
+ Cấp dưỡng theo từng tháng:
Trường hợp này thường gặp và thường được sử dụng để thỏa thuận cấp dưỡng cho con.
Theo đó người không trực tiếp nuôi con hàng tháng sẽ cấp dưỡng một số tiền nhất định để phụ giúp người trực tiếp nuôi con trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người con.
– Về mức cấp dưỡng
Thực tiễn không hề có quy định nào của pháp luật quy định về mức cấp dưỡng cụ thể đối với người không trực tiếp nuôi con.
Mức cấp dưỡng này hoàn toàn do người vợ, người chồng tự thỏa thuận và thống nhất; tuy nhiên sự thỏa thuận; thống nhất của cả đôi bên phải đảm bảo sự công bằng; minh bạch và cân đối với thu nhập của người phải cấp dưỡng.
Trong trường hợp không thể thỏa thuận thì có thể yêu cầu Tòa án áp dụng mức cấp dưỡng đối với bên không trực tiếp nuôi con.
2.4 Phạt vi phạm về quyền thăm nom và cấp dưỡng
Theo Điều 55, 56, 57 Nghị định 144/2021 quy định:
Điều 55. Hành vi cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý
1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cấm thành viên gia đình ra khỏi nhà, ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, bạn bè hoặc có các mối quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh nhằm mục đích cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý đối với thành viên đó;
b) Không cho thành viên gia đình thực hiện quyền làm việc;
c) Không cho thành viên gia đình tham gia các hoạt động xã hội hợp pháp, lành mạnh.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi buộc thành viên gia đình phải chứng kiến cảnh bạo lực đối với người, con vật.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Cưỡng ép thành viên gia đình thực hiện các hành động khiêu dâm, sử dụng các loại thuốc kích dục;
b) Có hành vi kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với thành viên gia đình.
4. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Điều 56. Hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.
Điều 57. Vi phạm quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng giữa vợ và chồng sau khi ly hôn; từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ nuôi dưỡng giữa anh, chị, em với nhau, giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu theo quy định của pháp luật;
b) Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nuôi dưỡng cha, mẹ; nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện nghĩa vụ đóng góp, nuôi dưỡng theo quy định đối với các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này.
Ngoài ra, còn có các hình phạt về hình sự đối với vấn đề này.
Khi đã có quyết định của Tòa án yêu cầu người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con nhưng không thực hiện bản án mặc dù có đủ điều kiện; đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế thì có thể bị phạt tối đa 5 năm tù giam theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015.
Nếu việc trốn tránh; từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng của cha mẹ khiến người con lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm; phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015.
2.5 Nam, nữ sống chung như vợ, chồng có con mà không đăng ký kết hôn.
Trường hợp này hiện nay khá phổ biến; việc nam, nữ chung sống như vợ, chồng mà không đăng ký kết hôn nhưng có con; tại Điều 15 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Như vậy, không có sự phân biệt nào giữa vợ, chồng và nam, nữ chung sống như vợ chồng có con mà không có đăng ký kết hôn trong vấn đề quyền nuôi con; cấp dưỡng và thăm nom con
Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái sẽ tuân thủ theo các quy định về cấp dưỡng, nghĩa vụ và quyền chăm sóc nuôi dưỡng tại Điều 71 và Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Người không trực tiếp nuôi con vẫn có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho người trực tiếp nuôi con; có quyền thăm nom con như quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Trên đây là tư vấn của HTM & Partner về ” QUYỀN NUÔI CON KHI LY HÔN THEO LUẬT HNGĐ 2014″.
Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Dân sự – Hình sự – Hành chính, xin quý khách vui lòng liên hệ:
LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 0989. 111. 863
Phụ trách nội dung:ThS. LS. TRẦN VĂN HUY – Luật sư điều hành HTM & PARTNER
Địa chỉ: Số 70, Ngõ 203, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Website: https://luathtm.vn/
Email: Luathtm.vn@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luathtm/
Zalo liên hệ Luật sư: 0989. 111. 863
Mã QR Zalo Luật sư: