Kết hôn là sự kiện làm phát sinh quan hệ hôn nhân và các chế độ pháp lý của vợ chồng. Như là một tất yếu của cuộc sống chung, vợ và chồng thực hiện những quan hệ về tài sản nhằm đáp ứng những nhu cầu tồn tại và phát triển của gia đình.
Đây là những quan hệ xảy ra phổ biến trong xã hội và chịu sự điều chỉnh trực tiếp của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Về cơ bản tài sản của vợ chồng được xác định dựa trên hai căn cứ: Sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng (chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận) và theo các quy định của pháp luật (chế độ tài sản theo luật định).
Sau đây HTM & Partner xin được bình luận về ” Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận”:
1. CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Bộ luật Dân sự năm 2015
- Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014
- Thông tư liên tịch số 01/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016
- Luật Hộ tịch Việt Nam năm 2014
2. Nội dung bình luận
2.1 Về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận
Theo quy định tại Điều 47 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 (viết tắt là Luật HN&GĐ năm 2014) thì
“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.
Với quy định này thì trước khi đăng ký kết hôn các bên vợ chồng phải lựa chọn chế độ tài sản của vợ chồng và phải lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên trong khối tài sản của mình.
Thời điểm chế độ thỏa thuận tài sản của vợ chồng phát sinh hiệu lực từ lúc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Như vậy, văn bản thỏa thuận là văn bản riêng và không được ghi nhận trong Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, cũng như không phải là điều kiện bắt buộc trong thủ tục đăng ký kết hôn.
2.2 Nội dung của thỏa thuận
Để một thỏa thuận có hiệu lực và phù hợp với quy định của pháp luật cũng như được cả vợ chồng công nhận, pháp luật quy định về những nội dung cơ bản được ghi nhận trong văn bản thỏa thuận như sau:
Thứ nhất, tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng. Đây là nội dung căn bản quan trọng nhất, xác định tài sản nào là tài sản chung và là tài sản riêng của vợ chồng. Thỏa thuận này nhằm tách bạch tài sản của mỗi bên trong quan hệ vợ chồng.
Thứ hai, quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình. Qua đó, nhằm để xác định nghĩa vụ tài sản của mỗi bên đối với bên thứ ba trong giao dịch dân sự.
Thứ ba, điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản. Đây được xem là ghi nhận về hậu quả pháp lý của thỏa thuận trong trường hợp thỏa thuận bị vô hiệu hoặc chấm dứt theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định vợ chồng có thể thỏa thuận những nội dung khác có liên quan trong văn bản thỏa thuận. Trong quan hệ tài sản các bên vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận ban đầu. Với hình thức và nội dung của thỏa thuận chế độ tài sản được thực hiện tương tự như thỏa thuận trước đây.
Cũng cần lưu ý rằng, khi thực hiện chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận mà phát sinh những vấn đề chưa được vợ chồng thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì áp dụng quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật HN&GĐ năm 2014 và các quy định tương ứng của chế độ tài sản theo luật định.
2.3 Thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận bị vô hiệu
Thỏa thuận giữa vợ và chồng về chế độ tài sản, dù hiện nay pháp luật chưa quy định chính thức là một hợp đồng, nhưng về nguyên tắc là một loại giao dịch. Và với tư cách là một loại giao dịch, các thỏa thuận này phải tuân thủ những điều kiện nhất định để phát sinh hiệu lực. Theo Điều 50 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:
“1. Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị Tòa án tuyên bố vô hiệu khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan;
b) Vi phạm một trong các quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này;
c) Nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.
2. Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp hướng dẫn khoản 1 Điều này”.
Như vậy, với quy định này có thể thấy có ba lý do để Tòa án có thể tuyên bố vô hiệu đối với một thỏa thuận về chế độ tài sản giữa vợ và chồng.
Thứ nhất, không tuân thủ điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
Theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:
“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.
Mặt khác, tại khoản 1 Điều 8 Luật HN&GĐ năm 2014 quy định:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”.
Như vậy, trong trường hợp nam chưa đủ 20 tuổi hoặc nữ chưa đủ 18 tuổi có thỏa thuận về chế độ tài sản vợ chồng thì thỏa thuận này sẽ bị vô hiệu. Bởi một trong các bên chưa có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự.
Với quy định trên, nếu việc kết hôn bị tuyên bố hủy do vi phạm điều kiện về độ tuổi, hay điều kiện về sự tự nguyện thì thỏa thuận về chế độ tài sản giữa vợ và chồng cũng bị tuyên bố vô hiệu theo.
Thứ hai, thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng vi phạm một trong các quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật HN&GĐ năm 2014.
Các quy định tại Điều 29, 30, 31, 32 Luật HN&GĐ năm 2014 tạo thành một chế độ tài sản cơ sở mà dù là chế độ tài sản thỏa thuận hay CĐTS theo luật định cũng phải tuân thủ. Vi phạm một trong các nguyên tắc này thì thỏa thuận về chế độ tài sản sẽ bị tuyên bố vô hiệu.
Có thể lấy ví dụ nguyên tắc “vợ, chồng bình đẳng với nhau về quyền, nghĩa vụ trong việc tạo lập, chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung; không phân biệt giữa lao động trong gia đình và lao động có thu nhập”. Nguyên tắc này rất quan trọng trong việc xác định sự bình đẳng của vợ chồng về quyền, nghĩa vụ trong gia đình. Theo đó, nếu trong thỏa thuận về chế độ tài sản giữa vợ và chồng có quy định cho rằng “trong thời kỳ hôn nhân chỉ có người chồng là lao động có thu nhập cho nên mọi định đoạt về tài sản chung cần phải có ý kiến của người chồng” thì thỏa thuận đó sẽ vô hiệu.
Thứ ba, nội dung của thỏa thuận vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và thành viên khác của gia đình.
Theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 6 Thông tư liên tịch số 01/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 thì:
“Nội dung của thỏa thuận về CĐTS của vợ chồng bị vô hiệu do vi phạm nghiêm trọng quyền được cấp dưỡng, quyền được thừa kế và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 của Luật HN&GĐ năm 2014 là trường hợp thỏa thuận đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng quy định từ Điều 110 đến Điều 115 của Luật HN&GĐ năm 2014 hoặc để tước bỏ quyền thừa kế của những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo quy định của Bộ luật Dân sự hoặc vi phạm các quyền, lợi ích hợp pháp của cha, mẹ, con và các thành viên khác của gia đình đã được Luật HN&GĐ và pháp luật khác có liên quan quy định”.
3. Bất cập và hướng hoàn thiện
3.1 Thời điểm xác lập chế độ thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng
Theo Điều 47 Luật HN&GĐ Việt Nam 2014 quy định:
“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.
Tuy nhiên, theo yêu cầu của khoản 2 Điều 18 của Luật Hộ tịch Việt Nam năm 2014 quy định:
“Giấy chứng nhận kết hôn phải có các thông tin sau đây:
a) Họ, chữ đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; thông tin về giấy tờ chứng minh nhân thân của hai bên nam, nữ;
b) Ngày, tháng, năm đăng ký kết hôn;
c) Chữ ký hoặc điểm chỉ của hai bên nam, nữ và xác nhận của cơ quan đăng ký hộ tịch”.
Theo quy định nêu trên và đối chiếu các quy định khác của Luật này về thủ tục đăng ký kết hôn không thấy quy định về việc cơ quan đăng ký kết hôn hoặc phải ghi nhận có sự tồn tại của chế độ tài sản thỏa thuận (trong giấy chứng nhận đăng ký kết hôn hoặc trong sổ lưu), hoặc phải kiểm tra về việc có hay không tồn tại chế độ tài sản thỏa thuận.
Như vậy, quy định bắt buộc về thời điểm phải xác lập chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận là trước khi kết hôn không có điều kiện để đảm bảo thực hiện. Do đó, kiến nghị cần bổ sung thêm vào trong các thông tin cần có của giấy chứng nhận kết hôn thông tin rằng “Vợ, chồng kết hôn trên cơ sở CĐTS thoả thuận” (nếu có). Quy định này rất cần thiết trong việc quản lý của nhà nước, đặc biệt trong giải quyết tranh chấp về tài sản cũng như để bảo vệ người thứ ba trong việc tiếp cận thông tin có liên quan đến quan hệ tài sản giữa vợ chồng.
3.2 Các trường hợp chấm dứt thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 117 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì:
“Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.
Vì vậy, khi có vi phạm điều kiện về hình thức, Tòa án chỉ tuyên bố vô hiệu giao dịch nếu pháp luật có quy định “hình thức của giao dịch là điều kiện có hiệu lực của giao dịch”.
Mặc dù Điều 47 Luật HN&GĐ có quy định rằng:
“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực”.
Tuy nhiên, quy định này không nói rằng việc lập thành văn bản có công chứng, chứng thực là điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản giữa vợ và chồng. Cho nên, áp dụng các quy định pháp luật hiện hành, nếu vi phạm quy định về hình thức thì Tòa án không thể tuyên bố vô hiệu thỏa thuận về chế độ tài sản giữa và vợ chồng. Do đó, kiến nghị cần quy định rõ rằng các yêu cầu về hình thức đối với chế độ tài sản thỏa thuận (về việc công chứng thỏa thuận, thời điểm xác lập) là một điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận về chế độ tài sản giữa vợ và chồng, bởi chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận đóng vai trò quan trọng không những đối với các bên vợ, chồng mà còn đối với người thứ ba. Do vậy, các yêu cầu nghiêm ngặt về hình thức là thật sự cần thiết.
Tóm lại, tài sản vợ chồng là một trong những nội dung quan trọng của luật hôn nhân và gia đình. Sau khi kết hôn, tài sản chung được hình thành, các lợi ích và các quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt đối với khối tài sản này cũng vì thế mà hình thành.
Trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, Luật HN&GĐ điều chỉnh các quan hệ về nhân thân và tài sản giữa vợ chồng, giữa cha mẹ và các con, giữa các thành viên khác trong gia đình. Chế định chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận được quy định đầu tiên trong Luật HN&GĐ năm 2014 ghi nhận sự thỏa thuận của vợ chồng về quan hệ tài sản.
Tuy nhiên, quá trình áp dụng cũng bộc lộ nhiều hạn chế nhất định trong nội dung cũng như hình thức của thỏa thuận, đòi hỏi pháp luật cần có những sửa đổi, bổ sung kịp thời góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật về hôn nhân gia đình nói chung và chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận nói riêng.
Trên đây là bình luận của HTM & Partner về “Chế độ tài sản vợ chồng theo thỏa thuận “.
Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Tư Vấn Dân Sự – Tư Vấn Tố Tụng – Tư Vấn Hình Sự, xin quý khách vui lòng liên hệ:
LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 0989. 111. 863
Phụ trách nội dung:ThS. LS. TRẦN VĂN HUY – Luật sư điều hành HTM & PARTNER
Địa chỉ: Số 70, Ngõ 203, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Website: https://luathtm.vn/
Email: Luathtm.vn@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luathtm/
Zalo liên hệ Luật sư: 0989. 111. 863
Mã QR Zalo Luật sư: