BÌNH LUẬN TỘI CƯỚP TÀI SẢN THEO ĐIỀU 168 BLHS

BÌNH LUẬN TỘI CƯỚP TÀI SẢN

30

Cướp tài sản là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Cướp tài sản thuộc nhóm tội phạm xâm phạm về sở hữu. Trong nhóm tội danh này, các tội danh thường có sự chuyển hóa tội phạm nếu các hành vi, tình tiết không rõ ràng thì rất dễ gây nhầm lẫn giữa các tội danh trong nhóm tội phạm này.

Sau đây HTM & Partner  xin được Bình luận về Tội cướp tài sản theo điều 168 BLHS:

Theo Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội cướp tài sản như sau:

1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Các dấu hiệu cơ bản của tội phạm

Về chủ thể của tội phạm

Người phạm tội cướp tài sản phải là người đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự (từ đủ 14 tuổi trở lên và khi thực hiện hành vi phạm tội không mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình). Tội cướp tài sản (quy định tài điều 168 Bộ luật Hình sự) là tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.

Về mặt chủ quan của tội phạm

Tội cướp tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp. Người phạm tội không chỉ cố ý thực hiện hành vi phạm tội mà còn phải có mục đích chiếm đoạt tài sản thì mới là tội cướp tài sản. Nếu có hành vi tấn công nhưng vì động cơ và mục đích khác chứ không nhằm chiếm đoạt tài sản, nhưng sau đó người bị tấn công bỏ chạy, để lại tài sản và người có hành vi tấn công lấy tài sản đó thì không phải là tội cướp tài sản mà tuỳ vào trường hợp cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi tấn công theo các tội tương ứng.

Trường hợp người phạm tội dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhằm mục đích trả thù vừa nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì vẫn phải truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản, nếu hành vi dung vũ lực gây thiệt hại đến tính mạng bị hại thì người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự thêm tội giết người.

Tuy nhiện, thực tiễn xét xử cho thấy hầu hết những trường hợp khi tấn công người phạm tội không có ý định chiếm đoạt tài sản mà vì động cơ mục đích khác như để trả thù, nhưng sau khi đã thực hiện hành vi tấn công, người bị tấn công bỏ chạy để lại tài sản, người có hành vi tấn công lấy tài sản đó đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản.

Về khách thể của tội phạm

            Khách thể của tội phạm đối với tội cướp tài sản bao gồm cả quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân, hay nói cách khác, tội cướp tài sản là tội phạm cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, nhưng khách thể bị xâm phạm trước là quan hệ nhân thân, thông qua việc xâm phạm đến nhân thân mà người phạm tội xâm phạm đến quan hệ tài sản ( dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản ), nếu không xâm phạm đến quan hệ nhân thân thì người phạm tội cướp tài sản không thể xâm phạm đến quan hệ tài sản được. Đây cũng là đặc trưng cơ bản của tội cướp tài sản, nếu chỉ xâm phạm đến một trong hai quan hệ xã hội thì chưa phản ảnh đầy đủ bản chất của tội cướp tài sản, đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội cướp tài sản với các tội khác xâm phạm sở hữu và các tội mà người phạm tội có hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc nhưng không nhằm chiếm đoạt tài sản. Nếu trong các vụ cướp tài sản nếu có nạn nhân bị thương tích hoặc thậm chí là chết (trừ trường hợp cố ý tước đoạt tính mạng nạn nhân) thì không định thành một tội phạm riêng biệt mà được xem xét là tình tiết định khung tăng nặng của tội phạm này.

Tuy nhiên, do tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm hai khách thể, trong đó quan hệ nhân thân lại quan trọng hơn quan hệ sở hữu nên có ý kiến cho rằng, không nên xếp tội cướp tài sản trong Chương “các tội xâm phạm sở hữu” mà nên xếp vào Chương “các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người”. Việc nhà làm luật xếp tội cướp tài sản vào Chương các tội xâm phạm sở hữu là căn cứ vào mục đích cuối cùng của người phạm tội là nhằm chiếm đoạt tài sản, còn việc gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người chỉ là phương tiện để đạt mục đích. Cách lý giải này có nhiều nhân tố hợp lý, nhưng cũng chưa lý giải được vì sao tội tham ô tài sản nhà làm luật lại xếp vào Mục A “các tội phạm về tham nhũng” trong Chương “các tội phạm về chức vụ”, mặc dù mục đích cuối cùng của người phạm tội cũng là nhằm chiếm đoạt tài sản? Trong khi đó, xét về góc độ khoa học luật hình sự khi chia khách thể thành khách thể loại là nhằm mục đích sắp xếp các chương trong Bộ luật hình sự. Trên thế giới hiện nay, có nước xếp tội cướp tài sản trong Chương “các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người”. Nhưng cũng có nước xếp vào Chương “các tội xâm phạm sở hữu” như nước ta. Việc nhà làm luật xếp tội cướp tài sản vào Chương này hay Chương khác chỉ có ý nghĩa trong việc nghiên cứu khoa học lập pháp, chứ không có ý nghĩa trong việc xác định các dấu hiệu pháp lý cấu thành tội phạm.

Do tội cướp tài sản cùng một lúc xâm phạm đến hai khách thể, nên trong cùng một vụ án có thể có một người bị hại, nhưng cũng có thể có nhiều người bị hại, có người bị hại chỉ bị xâm phạm đến tài sản; có người bị hại bị xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự; có người bị hại bị xâm phạm đến cả tài sản, tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự.

Về mặt khách quan của tội phạm

Hành vi dùng vũ lực

Hành vi dùng vũ lực là hành vi (hành động) mà người phạm tội đã thực hiện, tác động vào cơ thể của nạn nhân như: Đấm, đá, bóp cổ, trói, bắn, đâm, chém… Hay có thể nói một cách khái quát là hành vi dùng sức mạnh vật chất nhằm chiếm đoạt tài sản. Hành vi dùng vũ lực có thể làm cho nạn nhân bị thương tích, bị tổn hại đến sức khoẻ hoặc bị chết, nhưng cũng có thể chưa gây ra thương tích đáng kể (không có tỷ lệ thương tật).

Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp người phạm tội dùng vũ lực đối với bất cứ người nào mà người phạm tội cho rằng họ sẽ cản trở việc thực hiện tội cướp mà họ thực hiện. Người có trách nhiệm quản lý tài sản có thể có mặt tại nơi xảy ra vụ cướp, nhưng có có thể không có mặt tại nơi xảy ra vụ cướp tài sản, nhưng người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Những trường hợp vụ cướp có nhiều người tham gia (đồng phạm), không nhất thiết những người cùng tham gia đều phải dùng vũ lực, mà chỉ cần một hoặc một số người dùng vũ lực, còn những người khác có thể không dùng vũ lực hoặc chỉ đe dọa dùng vũ lực, nhưng tất cả những người cùng tham gia đều bị coi là phạm tội cướp tài sản.

Hành vi đe dọa dùng vũ lực đe dọa ngay tức khắc

Hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe doạ người bị hại nếu không đưa tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện ngay. Ví dụ: dí dao vào cổ, dí súng vào bụng yêu cầu người bị hại giao ngay tài sản nếu không sẽ bị đâm, bị bắn ngay lập tức. Đe doạ dùng vũ lực là chưa dùng vũ lực, nếu người phạm tội vừa đe doạ, vừa dùng vũ lực, mặc dù việc dùng vũ lực không mạnh mẽ bằng vũ lực mà người phạm tội đe doạ người bị hại, nhưng vẫn bị coi là đã dùng vũ lực.

Việc xác định thế nào là đe doạ dùng vũ lực không khó bằng việc xác định thế nào là đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc. Đây là dấu hiệu rất quan trong để phân biệt tội cướp tài sản với tội cưỡng đoạt tài sản, nếu đe doạ dùng vũ lực nhưng không ngay tức khắc thì đó là là dấu hiệu của tội cưỡng đoạt tài sản. Ngay tức khắc là ngay lập tức không chần chừ, khả năng xảy ra là tất yếu nếu người bị hại không giao tài sản cho người phạm tội. Khả năng này không phụ thuộc vào lời nói hoặc hành động của người phạm tội mà nó tiềm ẩn ngay trong hành vi của người phạm tội. Đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc, cũng có nghĩa là nếu người bị hại không giao tài sản hoặc không để cho người phạm tội lấy tài sản thì vũ lực sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, vì vũ lực chưa xảy ra nên việc đánh giá người phạm tội có dùng vũ lực hay không, trong trường hợp người bị hại không giao tài sản lại là một vấn đề phức tạp. Thông thường người phạm tội không bao giờ nhận là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc nếu người bị hại không giao tài sản hoặc không để người phạm tội lấy tài sản. Vì vậy để xác định trường hợp người phạm tội đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc hay không, ngoài lời khai của người phạm tội, các cơ quan tiến hành tố tụng còn phải căn cứ vào các tình tiết khác của vụ án như: Không gian, thời gian, hoàn cảnh lúc xảy ra sự việc; vào công cụ, phương tiện phạm tội người phạm tội sử dụng…

Hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.

Để xác định hành vi này, trước hết phải xuất phát từ phía người bị hại phải là người bị tấn công, nhưng không phải bị tấn công bởi hành vi dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc mà bị trấn công bởi hành vi khác. Như vậy, hành vi khác mà nhà làm luật quy định trong cấu thành trước hết nó phải là hành vi tấn công người bị hại, mức độ tấn công tới mức người bị hại không thể chống cự được. Ví dụ: A bỏ thuốc ngủ vào cốc nước để B uống, sau khi  uống nước, B đã ngủ say không biết gì, do đó A mới chiếm đoạt được tài sản của B. Thực tiễn xét xử, không chỉ xảy ra trường hợp người phạm tội cho người bị hại uống thuốc ngủ mà nhiều trường hợp người phạm tội dùng những thủ đoạn nguy hiểm như xịt Ê te, cho người bị hại uống thuốc mê, thậm chí cả thuốc độc làm cho người bị hại không còn khả năng chống cự nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp, người phạm tội tìm cách chuốc rượu cho người bị hại uống thật say để chiếm đoạt tài sản cũng cần phải xác dịnh hành vi này là hành vi làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được.

Hậu quả của tội phạm

Đối với tội cướp tài sản, hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành. Hậu quả của tội phạm chỉ là dấu hiệu định khung hình phạt hoặc chỉ là tình tiết để xem xét khi quyết định hình phạt.

Do khách thể của tội cướp là hai quan hệ xa hội (quan hệ tài sản và qua hệ nhân thân), nên tội cướp tài sản được gọi là tội ghép và do đó, hậu quả của tội cướp tài sản có thể thiệt hại về tài sản nhưng cũng có thể là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm.

Các trường hợp phạm tội cụ thể

Phạm tội được quy định tại khoản 1 Điều 168 Bộ luật Hình sự

Đây là cấu thành cơ bản của tội cướp tài sản và người phạm tội bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm , là tội rất nghiêm trọng. Khi quyết định mức hình phạt đối với người phạm tội, tòa án căn cứ vào Điều 50 Bộ luật Hình sự. Nếu các tình tiết khác như nhau thì người phạm tội dùng vũ lực thì phải bị phạt nặng hơn người chỉ đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc; người phạm tội dùng vũ lực gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân có tỷ lệ thương tật dưới 11% phải bị phạt nặng hơn người phạm tội không gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân; người phạm tội chiếm đoạt được tài sản phải bị phạt nặng hơn người chưa chiếm đoạt được tài sản.

Phạm tội được quy định tại khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự

a) Có tổ chức

Phạm tội cướp tài sản có tổ chức là trường hợp nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch ra kế hoạch để thực hiện việc cướp tài sản, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu.

Theo khoản 2 Điều 17 Bộ luật Hình sự quy định: “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.”

Trọng vụ án cướp tài sản có tổ chức, tùy thuộc vào quy mô tính chất mà có những người giữ vai trò khác nhau như: người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

b) Phạm tội có tình chất chuyên nghiệp

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là phạm tội lấy việc phạm tội cướp tài sản là nguồn sống chính cho mình. Tuy nhiên, không thể hiểu “chuyên nghiệp” đồng nghĩa với nghề nghiệp của một người vì không thể coi phạm tội là một nghề kiếm sống; tính chất  chuyên nghiệp của hành vi phạm tội thể hiện ở chỗ tội phạm đó được lặp đi lặp lại nhiều lần mà người phạm tội coi việc phạm tội đó là phương tiện kiếm sống. Nhưng không phải hành vi phạm tội nào cứ lặp đi lặp lại nhiều lần đều coi là tính chất chuyên nghiệp, mà chỉ những hành vi mà người phạm tội coi đó là phương tiện kiếm sống thì mới là có tính chất chuyên nghiệp.

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%

Thương tích của bị hại hoặc của người khác bao gồm cả thương tích do hành vi dùng vũ lực hoặc hành vi khắc nhằm chiếm đoạt tài sản và thương tích do hành vi hành hung để tẩu thoát gây nên. Nếu người phạm tội gây thương tích cho nhiều người và tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 11% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người cộng lại từ 11% đến 30% thì người phạm tội sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều khoản này. Tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại hoặc của người khác phải do hội đồng giám định pháp y xác định. Vì vậy, cơ quan tiến hành tố tụng cần trưng cầu giám định pháp y, nếu bị hại và những người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại đến sức khỏe nhưng không đi giám định thì không xác định người phạm tội thuộc trường hợp được quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn gây nguy hiểm khác

Điều luật chỉ quy định là “vũ khí” chứ không quy định cụ thể là vũ khí nào nên chỉ cần người phạm tội sử dụng vũ khí thì sẽ bị áp dụng điểm d khoản 2 Điều luật này. Theo quy định tại Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí ngày 20/06/2017 quy định vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự.

Chú ý, nếu người phạm tội có mang vũ khí nhưng không sử dụng vũ khí trong khi thực hiện hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc thì không được coi là sử dụng vũ khí để cướp. Trong trường hợp người phạm tội sử dụng loại vũ khí đã mất tính năng tác dụng như bị hỏng nhưng bị hại không biết thì người phạm tội vẫn bị coi là phạm tội có sử dụng vũ khí kể cả trường hợp người phạm tội biết vũ khí đó mất tác dụng nhưng vẫn có ý thức sử dụng để đe dọa bị hại. Trường hợp người phạm tội sử dụng vũ khí giả như súng nhựa, súng gỗ, để đe dọa bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản và bị hại cũng tưởng là súng thật nên quá sợ hãi mà giao tài sản cho người phạm tội thì không thuộc trường hợp cướp có sử dụng vũ khí, vì súng giả không được coi là vũ khí nhưng người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều này nhưng thuộc trường hợp “sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác”. Người phạm tội sử dụng vũ khí cướp tài sản, ngoài việc vị áp dụng điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự thì người phạm tội nếu sử dụng vũ khí quân dụng còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép vũ khí quân dụng.

Phương tiện nguy hiểm là những vật có khả năng gây nguy hại đến tính mạng , sức khỏe của bị hại (ví dụ: dao nhọn, dao quắm, dai phát bờ…); các loại chất độc, chất cháy (ví dụ: thuốc ngủ, thuốc mê, axit…). Sử dụng phương tiện nguy hiểm là hành vi của người phạm tội thông qua những vật chứa đựng tính nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe của con người. Việc đánh giá những vật có khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người không phụ thuộc vào cách sử dụng những vật đó như thế nào mà chỉ cần xác định tính năng, tác dụng của các vật mà người phạm tội sử dụng có chứa đựng khả năng gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của con người là người phạm tội cướp tài sản đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự.

Thủ đoạn nguy hiểm là việc người phạm tội sử dụng phương pháp gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của bị hại và những người khác như: dùng dây xiết cổ nạn nhân, dìm nạn nhân xuống nước…Tính nguy hiểm của những thủ đoạn mà người phạm tội sử dụng không phụ thuộc vào phương tiện mà phụ thuộc vào phương pháp sử dụng, có thể phương tiện không gây ra nguy hiểm nhưng người phạm tội biết cách sử dụng những phương tiện đó nên tạo ra khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sứa khỏe của bị hại và những người khác. Tuy nhiên, đối với một số loại vũ khí, tính nguy hiểm còn phụ thuộc vào phương pháp sử dụng nhưng nếu người phạm tội sử dụng nó để cướp tài sản thì vẫn sẽ thuộc trường hợp được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự.

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng

Sau khi người phạm tội lấy được tài sản thì sẽ căn cứ vào giá bán tài sản đó tại địa phương xảy ra tội phạm để xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt chứ không căn cứ vào giá bị hại mua hoặc giá người phạm tội bán chi người khác. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan tiến hành tố tụng phải tiến hành định giá để xác định trị giá tài sản bị chiếm đoạt, nhất là đối với tài sản có trị giá xấp xỉ 50.000.000 đồng hoặc 200.000.000 đồng hoặc tài sản không được lưu thông trên thị trường.

Đối với trường hợp người phạm tội chưa lấy được tài sản thì việc xác định trị giá tài sản cần phải phân biệt:

Thứ nhất, nếu có căn cứ xác định người phạm tội có ý định chiếm đoạt một loại tài sản thì căn cứ vào giá của tài sản định chiếm đoạt để xác định trị giá tài sản bị cướp.

Thứ hai, nếu có căn cứ xác định người phạm tội không biết giá trị của tài sản mà mình định cướp là bao nhiêu, gồm những tài sản gì thì cũng căn cứ vào trị giá thật của tài sản mà người phạm tội định chiếm đoạt để xác định trị giá tài sản bị cướp.

Trường hợp người phạm tội nhiều lần thực hiện hành vi cướp tài sản hoặc đối với nhiều người thì người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về toàn bộ tài sản của nhiều lần phạm tội hay đối với nhiều người đều được cộng lại để xác định trị giá.

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ.

Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, chỉ cần xác định bị hại là người dưới 16 tuổi thì người phạm tội sẽ bị áp dụng tình tiết phạm tội này.

Phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai, cần xác định người phạm tội phải biết bị hại là phụ nữ đang có thai (đây là tình tiết chủ quan). Nếu có căn cứ cho rằng người phạm tội không biết bị hại là phụ nữ đang có thai thì không áp dụng tình tiết này,

Phạm tội đối với người già yếu, ngoài việc cần xác định bị hại là người già 70 tuổi (hướng dẫn của TAND tối cao) thì bị hại còn phải thêm điều kiện nữa đó là yếu chứ không tách biệt già và yếu riêng.

Phạm tội đối với người không có khả năng tự vệ (là người bị hạn chế về khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do bẩm sinh hoặc do những điều kiện khách quan đem lại như: người bị tâm thần, bị bại liệt, bị câm, bị điếc…), đây là tình tiết thuộc dấu hiệu khách quan nên không cần người phạm tội có cần biết hay không bị hại là người không có khả năng tự vệ.

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội

Tình tiết này được quy định là dấu hiệu định khung hình phạt đối với nhiều tội khác nhưng chưa được Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể thế nào là “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội” nên việc giải thích rõ tình tiết này vẫn còn gặp khó khăn và cần sự hướng dẫn của Tòa án Nhân dân tối cao.

h) Tái phạm nguy hiểm

Tái phạm nguy hiểm là trường hợp đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội cướp tài sản, hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội cướp tài sản thuộc bất cứ khoản nào của Điều 168 Bộ luật Hình sự.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 168 Bộ luật Hình sự

a) Chiếm đoạt tài sản từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng

Trường hợp phạm tội này và cách xác định trị giá tài sản tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm đ khoản 2 điều này chỉ khác ở giá trị tài sản bị chiếm đoạt là từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%

Trường hợp này tương tự như trường hợp phạm tội quy định tại điểm c khoản 2 của điều này chỉ khác ở tỷ lệ thương tật của bị hại hoặc những người khác từ 31% đến 60%.

Nếu người phạm tội gây thương tích cho nhiều người và tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người cộng lại từ 31% đến 60% thì người phạm tội cũng không bị truy cứu theo điểm b khoản 3 điều này.

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh

Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế – xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác…Cũng coi là lợi dụng thiên tai để cướp tài sản trong trường hợp người dân ở vùng thiên tai đã được sơ tán đến vùng an toàn, nhưng người phạm tội lại lợi dụng để cướp tài sản của những này hoặc sau khi hết thiên tai họ được trở về nơi cũ.

Dịch bệnh là sự lây lan nhanh chóng của một bệnh truyền nhiễm với số lượng lớn những người bị nhiễm trong một cộng đồng hoặc một khu vực trong một thời gian ngắn, thường là hai tuần hoặc ít hơn. Khi xác định hành vi lợi dụng dịch bệnh để cướp tài sản cần căn cứ vào các quyết định của cơ quan chuyên môn y tế công bố dịch bệnh ở một địa phương hay trên một vùng lãnh thổ.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 điều 168 Bộ luật Hình sự

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng chở lên

Trường hợp phạm tội và việc xác định trị giá tài sản tương tự như  trường hợp phạm tội quy định tại điểm đ khoản 2, điểm a khoản 3 của điều này chỉ khác ở trị giá tài sản bị chiếm đoạt là 500.000.000 đồng trở lên.

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên

Nếu phạm tội cướp tài sản mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người thì bị hại có tỷ lệ tổn trở lên. Việc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể đối với bị hại cũng Y lệ tôn thương cơ tương tự như trường hợp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể của bị hại quy định tại điểm b khoản 3 của điều luật.

Nếu phạm tội cướp tài sản mà gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên thì tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi bị hại phải từ 31% trở lên.

c) Làm chết người

Đây là trường hợp do thực hiện hành vi cướp tài sản mà làm chết người, chứ không phải giết người để cướp tài sản.

Nếu người phạm tội giết người để cướp tài sản thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về 02 tội: tội giết người và tội cướp tài sản, còn nếu do hành vi cướp tài sản mà làm chết người dù là bao nhiêu người thì người phạm tội chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản.

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp

Tình trạng chiến tranh là trạng thái xã hội đặc biệt của đất nước được tuyên bố từ khi Tổ quốc bị xâm lược cho đến khi hành vi xâm lược đó được chấm dứt trên thực tế. Người phạm tội đã lợi dụng hoàn cảnh có chiến tranh để cướp tài sản, hành vi đó có thể được thuận lợi hơn, khó bị phát hiện hoặc có thể đạt mục đích lớn hơn. Không nhất thiết lúc phạm tội hoặc nơi phạm tội phải đang có chiến sự mà chỉ cần người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh để thực hiện hành vi cướp tài sản dù ở đâu, lúc nào vẫn bị áp dụng tình tiết tăng nặng này.

Tình trạng khẩn cấp là tình trạng cấp bách của xã hội và của cá nhân mỗi người, khi ở trong tình trạng đó, mọi người đều tập trung vào việc giải quyết để nhanh chóng thoát ra khỏi tình trạng đó. Tình trạng này chỉ xảy ra trong thời gian nhất định, không kéo dài. Vì vậy, khi xác định người phạm tội lợi dụng tình trạng khẩn cấp để phạm tội hay không, phải xem họ thực hiện hành vi phạm tội trong hoàn cảnh nào và hoàn cảnh đó có thật sự là tình trạng khẩn cấp hay không; đồng thời, phải xác định người phạm tội có lợi dụng tình trạng khẩn cấp đó để thực hiện hành vi phạm tội hay không.

Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 168 Bộ Luật hình sự

Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm, là tội phạm nghiêm trọng.

Khi áp dụng mức hình phạt cụ thể đối với người chuẩn bị phạm tội cướp tài sản phải căn cứ vào Điều 50 Bộ luật Hình sự đồng thời căn cứ vào hành vi thực tế của người chuẩn bị phạm tội như thế nào. Ví dụ: nếu chuẩn bị vũ khí quân dụng sẽ bị phạt nặng hơn người chuẩn bị vũ khí gậy, dây…

Vì ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội nên người phạm tội có thể hưởng án treo nếu đủ các điều kiện quy định tại Điều 65 Bộ luật Hình sự.

Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội

Ngoài hình phạt chính, ngườ phạm tội cướp tài sản còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cần lưu ý, chỉ thu tài sản thuộc quyền sở hữu của người phạm tội, nhưng phải là tài sản ngoài tài sản bị cướp, không tịch thu các loại tài sản là đồ trang sức, vật kỷ niệm của người phạm tội. Nếu tịch thu toàn bộ tài sản của người phạm tội thì vẫn phải để lại một phần cho gia đình người phạm tội sinh sống.

Còn khi áp dụng hình phạt cấm cứ trú đối với người phạm tội cướp tài sản, trong quyết định hình phtaj cần ghi rõ cấm cư trú ở địa phương cụ thể. Nếu đã áp dụng hình phạt quản chế thì không áp dụng hình phạt cấm cư trú vì nội dung quản chế là cư trú bắt buộc, dưới sự kiểm soát của chính quyền và nhân dân địa phương, không tự ý ra khỏi nơi cư trú…


Trên đây là Bình luận của HTM & Patner Tội cướp tài sản theo điều 168 BLHS.

Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Dân sự – Hình sự – Hành chính, xin quý khách vui lòng liên hệ:

LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 0989. 111. 863
Phụ trách nội dung:ThS. LS. TRẦN VĂN HUY – Luật sư điều hành HTM & PARTNER

Địa chỉ: Số 70, Ngõ 203, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Website: https://luathtm.vn/

Email: Luathtm.vn@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/luathtm/

Zalo liên hệ Luật sư: 0989. 111. 863

Mã QR Zalo Luật sư: 


Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết tại đây: 

  1. https://luathtm.vn/
  2. https://tintuc.luathtm.vn/
  3. https://tintuc.luathtm.vn/di-chuc-viet-tay-co-hieu-luc-phap-ly-1985.html
  4. https://tintuc.luathtm.vn/chia-thua-ke-theo-phap-luat-blds-2015-2222.html
Leave A Reply

Your email address will not be published.

0989.111.863