CHIA THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT-BLDS 2015
CHIA THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT-BLDS 2015
Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người sống. Thừa kế luôn gắn với sở hữu. Sở hữu là yếu tố quyết định thừa kế và thừa kế là phương tiện duy trì, củng cố quan hệ sở hữu.Thừa kế theo pháp luật là việc chuyển dịch tài sản từ người đã chết cho người còn sống theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự do pháp luật quy định. Vậy chia thừa kế theo pháp luật được pháp luật về dân sự quy định như thế nào ?
Sau đây HTM & Partner tư vấn cho Quý Khách Hàng về ” CHIA THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT-BLDS 2015″:
1.Căn Cứ Pháp Lý
- Pháp lệnh về thừa kế năm 1990;
- Bộ luật Dân sự năm 2005;
- Bộ luật Dân sự năm 2015;
- Nghị quyết 02/1990 hướng dẫn một số Điều tại nghị quyết 1990;
- Nghị quyết số 02/2004 hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án Dân sự và Hôn nhân Gia đình;
2. Nội Dung Tư Vấn
1. Thời hiệu yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật.
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hiệu thừa kế:
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.
2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.
Khi áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện, ngoài quy định “cứng” về thời hiệu, cần lưu ý những trường hợp mà thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện hoặc bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Thời hiệu khởi kiện là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; nếu thời hạn đó kết thúc thì mất quyền khởi kiện”.
Thời hiệu khởi kiện thừa kế là thời hiệu thừa kế theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện
Khi xác định thời hiệu khởi kiện trong quan hệ dân sự, pháp luật quy định những trường hợp không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự, cụ thể tại Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:
- Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
- Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây: a) Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân; b) Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.
Bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện
Trong một số trường hợp, mặc dù đã hết thời hiệu khởi kiện nhưng pháp luật cho phép được bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự. Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
b) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
c) Các bên đã tự hòa giải với nhau.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra sự kiện nêu trên.
Thời hiệu chỉ được áp dụng theo yêu cầu của một bên hoặc các bên
Một trong những quy định quan trọng về áp dụng thời hiệu được quy định tại Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 khoản 2 Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015 là:
Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ, việc.
Người được hưởng lợi từ việc áp dụng thời hiệu có quyền từ chối áp dụng thời hiệu, trừ trường hợp việc từ chối đó nhằm mục đích trốn tránh thực hiện nghĩa vụ”.
Như vậy, có thể hiểu rằng, trường hợp thời hiệu khởi kiện không còn nhưng không có đương sự nào yêu cầu áp dụng thời hiệu thì Tòa án vẫn giải quyết vụ án. Trường hợp đương sự yêu cầu áp dụng thời hiệu thì phải làm rõ thời hiệu khởi kiện còn hay đã hết.
Xác định thời hiệu thừa kế và thời điểm tính thời hiệu thừa kế
Các văn bản về thừa kế được quy định taị Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, các BLDS năm 1995, năm 2005 và năm 2015. Việc xác định thời hiệu thừa kế phụ thuộc vào thời điểm mở thừa kế, trên cơ sở đó áp dụng các quy định khác nhau qua các thời kỳ.
Đối với những trường hợp mở thừa kế từ ngày 01/01/2017 (thời điểm Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành)
Theo quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu là kể từ thời điểm mở thừa kế. Điều 611 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày theo xác định của Tòa án tuyên bố.
Đối với những trường hợp mở thừa kế trước ngày 01/01/2017
– Điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 về điều khoản chuyển tiếp quy đinh:
1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực (01/01/2017) thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau: d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”.
– Khoản 1 mục III Văn bản số 01/GĐ-TANDTC ngày 25/7/2016 của TAND Tối cao giải đáp một số vấn đề về hình sự, tố tụng hình sự, dân sự, tố tụng dân sự, có giải đáp:
“Khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015 quy định thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. Quy định này có áp dụng đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-01-2017 (ngày BLDS năm 2015 bắt đầu có hiệu lực thi hành) hay không?
Điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 quy định: đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thì “Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”. Như vậy, kể từ ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực thi hành, Tòa án áp dụng quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015 để xác định thời hiệu đối với trường hợp thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-01-2017. Tuy nhiên, cần lưu ý quy định tại khoản 2 Điều 688 BLDS năm 2015: “Không áp dụng Bộ luật này để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ việc mà Tòa án đã giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự trước ngày Bộ luật này có hiệu lực”.
– Phần I văn bản số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 của Tòa án nhân dân Tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, hướng dẫn về dân sự:
“Trường hợp người để lại di sản thừa kế chết trước năm 1987 mà hiện nay Tòa án mới thụ lý, giải quyết tranh chấp thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được xác định như thế nào?
Kể từ ngày Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015, khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30-6-2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và Nghị quyết số 104/2015/QH13 ngày 25-11-2015 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tố tụng hành chính thì từ ngày 01-01-2017, Tòa án áp dụng khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015 về thời hiệu thừa kế để thụ lý, giải quyết vụ án dân sự “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Theo đó, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản kể từ thời điểm mở thừa kế.
Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 10-9-1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19-10-1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là: thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990.
Khi xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01-7-1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-01-1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia; thời gian từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-9-2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện đối với trường hợp thừa kế có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia”.
Từ các căn cứ trên, việc xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản đối với những trường hợp có thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/01/2017 như sau:
Thực hiện theo khoản 2 Điều 17 Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 ngày 20/8/1998 của UBTVQH về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991, quy định: “Thời gian từ ngày 1 tháng 7 năm 1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực (ngày 1 tháng 1 năm 1999) không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 1 tháng 7 năm 1991”
Thực hiện theo khoản 2 Điều 39 Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 27/7/2006 của UBTVQH về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/7/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia, quy định: “Thời gian từ ngày 01 tháng 7 năm 1996 đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực (ngày 01 tháng 9 năm 2006) không tính vào thời hiệu trong thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đối với giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01 tháng 7 năm 1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia”.
Thời điểm mở thừa kế Nội dung | Trước ngày 10/9/1990 | Trước ngày 01/7/1991- (di sản là nhà ở không có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia) | Trước ngày 01/7/1991- (di sản là nhà ở có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia) | Từ ngày 10/9/1990 đến trước ngày 01/01/2017 |
Xác định thời điểm bắt đầu thời hiệu/không tính thời hiệu | Thời hiệu từ ngày 10/9/1990 | Từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-01-1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện | Từ ngày 01-7-1996 đến ngày 01-9-2006 không tính vào thời hiệu khởi kiện | Thời hiệu kể từ thời điểm mở thừa kế |
Căn cứ | Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và Nghị quyết số 02/HĐTP | Khoản 2 Điều 17 Nghị quyết 58/1998/NQ-UBTVQH10 | Khoản 2 Điều 39 Nghị quyết 1037/2006/NQ-UBTVQH11 | Điểm d khoản 1 Điều 688 BLDS năm 2015 |
Lưu ý | Mặc dù Điều 36 Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 quy định đối với các việc thừa kế đã mở trước ngày ban hành Pháp lệnh này (30/8/1990) thì thời hạn được tính từ ngày công bố Pháp lệnh này (10/9/1990). Tuy nhiên, Nghị quyết số 02/HĐTP hướng dẫn “đối với những việc thừa kế đã mở trước ngày 10-9-1990, thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10-9-1990”. | Ngoài trường hợp không tính vào thời hiệu khởi kiện về thừa kế đối với di sản thừa kế là nhà ở trước ngày 01/7/1991; cần lưu ý những trường hợp mà thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 và bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện được quy định tại Điều 157 Bộ luật Dân sự năm 2015. |
2. Hàng thừa kế theo pháp luật.
Hàng thừa kế được xác định khi việc thừa kế được tiến hành theo pháp luật mà không thông qua hoặc không có di chúc do người chết để lại.
Căn cứ theo Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, người thừa kế theo pháp luật được quy định như sau:
– Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
– Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
– Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Đối với trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống;
Trường hợp nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống ( Thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự 2015).
3. Các trường hợp chia thừa kế theo pháp luật.
Căn cứ Điều 650 Bộ luật Dân sự 2015, những trường hợp áp dụng chia thừa kế theo pháp luật bao gồm:
- Trường hợp thứ nhất: Không có di chúc.
Trong trường hợp người có tài sản chết mà không lập di trúc hoặc có lập nhưng người lập di trúc đã hủy di chúc hoặc tuyên bố hủy bỏ di chúc đã người. Kể từ thời điểm mở thừa kế, nếu bản di chúc bị thất lạc hoặc bị hư hại đến mức không thể hiện được đầy đủ ý chí của người lập di chúc và cũng không có bằng chứng nào chứng minh được ý nguyện đích thực của người lập di chúc thì coi như không có di chúc và áp dụng các quy định về thừa kế theo pháp luật.
- Trường hợp thứ hai: Có di chúc nhưng di chúc không hợp pháp.
Di chúc không hợp pháp là di chúc không đáp ứng được các điều kiện theo quy định tại điều 630 của Bộ luật Dân sự và những điều kiện để giao dịch dân sự có hiệu lực pháp luật theo qy định tại Điều 122 của Bộ luật Dân sự. Di chúc không hợp pháp sẽ không có hiệu lực pháp luật nên sẽ không làm phát sinh quan hệ thừa kế theo di chúc.
Tùy theo các trường hợp vi phạm của di chúc để xác định xem di chúc đó vô hiệu một phần hay vô hiệu toàn phần:
+ Di chúc vô hiệu toàn phần là khi lập di chúc người lập di chúc không minh mẫn, sáng suốt, di chúc không phải là ý nguyện thật sự của người lập, di chúc do người đủ 15 tổi đến chưa đủ 18 tuổi lập mà không có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, hoặc di chúc do người dưới 15 tuổi lập. Ngoài ra di chúc cũng bị coi là vô hiệu toàn bộ nếu nội dung của di chúc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Trường hợp này di sản sẽ được chia cho những người thừa kế theo pháp luật.
+ Di chúc được coi là vô hiệu một phần nếu nội dung chỉ có một phần không hợp pháp và phần không hợp pháp này không ảnh hưởng đến hiệu lực cỉa những phần còn lại. Trường hợp này phần di sản liên quan đến phần có hiệu lực cả di chúc sẽ được định đoạt theo di chúc, phần di sản liên quan đến phần di chúc bị vô hiệu sẽ được chia theo pháp luật.
- Trường hợp thứ ba: Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
Trường hợp này còn có một cách gọi khác là thừa kế thế vị, nếu trường hợp người được hưởng di sản thừa kế chết trước hoặc chết cùng với thời điểm người để lại di sản chết thì toàn bộ tài sản của người được hưởng thừa kế sẽ được chuyển lại cho những người thuộc hàng thừa kế của người được hưởng di sản thừa kế.
- Trường hợp thứ tư: Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản.
Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền được hưởng di sản là những người đáng lẽ được hưởng di sản thừa kế tho di chúc nhưng lại thực hiện các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 621 Bộ luật Dân sự. Nếu toàn bộ những người thừa kế theo di chúc đều không có quyền được hưởng di sản thừa kế thì áp dụng thằ kế theo pháp luật mà người lập di chúc để lại. Đối với trường hợp chỉ có hoặc có một số người thừa kế theo di chúc không có quyền hưởng di sản thì chỉ áp dụng thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản liên quanđến những người thừa kế theo di chúc không có quyền được hưởng di sản đó.
- Trường hợp thứ năm: Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà từ chối nhận di sản.
Người thừa kế có quyền nhận hoặc từ chối hưởng di sản của người chết để lại. Phần di sản liên quan đến người đã từ chối sẽ được áp dụng chia theo pháp luật cho những người thừa kế khác. Người từ chối hưởng di sản theo di chúc vẫn có thể hưởng thừa kế theo pháp luật nhưng trong trường hợp đã từ chối toàn bộ thì toàn bộ phần di sản này sẽ được chia theo pháp luật. Nếu chỉ một hoặc một số người thừa kế từ chối quyền hưởng di sản thừa kế thì chia phần di sản liên qan đến người này được áp dụng chia theo pháp luật.
- Trường hợp thứ sáu: Phần di sản không được định đoạt trong di chúc.
Đối với trường hợp này, thường rơi vào trường hợp di chúc bỏ sót phần di sản nào đó của người lập di chúc. Phần tài sản này sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp người bị người lập di chúc chỉ rõ chỉ được hưởng phần di sản theo di chúc hoặc người bị người lập di chúc truất quyền thừa kế theo di chúc.
Trên đây là tư vấn của HTM & Partner về ” CHIA THỪA KẾ THEO PHÁP LUẬT-BLDS 2015″.
Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Dân sự – Hình sự – Hành chính, xin quý khách vui lòng liên hệ:
LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 0989. 111. 863
Phụ trách nội dung:ThS. LS. TRẦN VĂN HUY – Luật sư điều hành HTM & PARTNER
Địa chỉ: Số 70, Ngõ 203, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Website: https://luathtm.vn/
Email: Luathtm.vn@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luathtm/
Zalo liên hệ Luật sư: 0989. 111. 863
Mã QR Zalo Luật sư: