ÁP DỤNG LÃI SUẤT ĐỐI VỚI MỘT SỐ LOẠI HỢP ĐỒNG
ÁP DỤNG LÃI SUẤT ĐỐI VỚI MỘT SỐ LOẠI HỢP ĐỒNG
Lãi suất được hiểu là tỉ lệ phần trăm số tài sản tăng thêm tính trên số tài sản vay do các bên thỏa thuận hoặc pháp luật quy định. Thông thường, phần trăm lãi suất được tính theo tháng, theo năm, nhưng có thể được tính theo ngày nếu thời gian vay ngắn hơn một tháng. Lãi suất được dùng để xác định số lãi trên nợ gốc và lãi nợ quá hạn mà bên vay phải trả cho bên cho vay.
Trong một số trường hợp, các hợp đồng kinh doanh thương mại về chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ, hoàn trả tiền đặt cọc, tiền ứng trước, v.v., chính là lãi chậm trả. Vậy thì mức lãi suất này được tính ra sao ? Pháp luật quy định như thế nào?
Hay như trong một số loại hợp đồng dân sự thì cách tính lãi ra sao ?
Sau đây, xin mời các bạn cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây của HTM & Partner về vấn đề ÁP DỤNG LÃI SUẤT ĐỐI VỚI MỘT SỐ LOẠI HỢP ĐỒNG.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Bộ luật Dân sự 2015
- Luật Thương mại 2005
- Luật Tổ chức tín dụng năm 2010
- Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP
- Thông tư 39/2016/TT-NHNN
- Quyết định 1730/QĐ-NHNN
NỘI DUNG TƯ VẤN
1.Khái niệm
Lãi suất: Lãi suất là tỷ lệ phần trăm được tính theo tiền gốc (tiền vốn) gửi vào hoặc cho vay mà người nhận tiền/người vay tiền phải trả cho người gửi tiền/người cho vay tiền trong khoảng thời gian xác định (theo tháng hoặc theo năm). Người gửi tiền/vay tiền có thể là cá nhân, công ty, ngân hàng.
2.Lãi suất trong hợp đồng dân sự:
Lãi suất trong hợp đồng dân sự
Đối với lãi suất của hợp đồng dân sự, ta có lãi suất của hai trường hợp bao gồm: hợp đồng mua bán hàng hóa, hợp đồng vay tài sản.
Thỏa thuận về Lãi Suất
Tại Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
1.Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
2.Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.”
Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ..
Lãi suất chậm trả:
Về mặt nguyên tắc, trong quan hệ vay vốn, vay tiền thì bên vay phải có trách nhiệm trả đủ tiền khi đến hạn. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải lúc nào, bên vay cũng thực hiện được thỏa thuận này. Trường hợp này, khi đến hạn trả nợ mà bên vay không trả được nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu bên vay ngoài việc thanh toán nghĩa vụ trả nợ, phải trả thêm một khoản tiền lãi chậm trả.
Về lãi suất chậm trả, căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 357, Khoản 4, 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất này trước hết sẽ do các bên tự thỏa thuận. Lãi suất thỏa thuận này có thể được ghi nhận trước đó trong hợp đồng vay vốn, hợp đồng vay tiền được ký kết trước đó. Lãi suất này cũng có thể do hai bên tự thỏa thuận tại thời điểm tính tiền trả nợ, nếu trong giấy/hợp đồng vay tiền không có quy định về lãi suất này.
“5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Trường hợp không thỏa thuận được về vấn đề lãi suất chậm trả thì lãi suất chậm trả sẽ được xác định theo nội dung quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất chậm trả sẽ được xác định bằng 50% mức lãi suất cho vay giới hạn tại thời điểm trả nợ là 20%/năm, tương đương với mức lãi suất chậm trả là 10%/năm.
Trên cơ sở này, khoản tiền lãi chậm trả sẽ được xác định bằng 10%/năm (tương đương 0,83 %/tháng) tính trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận về mức lãi suất chậm trả.
3.Lãi suất trong hợp đồng thương mại
Khái niệm hợp đồng thương mại
Hợp đồng thương mại là thoả thuận giữa thương nhân với thương nhân, thương nhân với các bên có liên quan nhằm xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ giữa các bên trong hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Lãi suất trong hợp đồng thương mại
Theo quy định tại điều 301, Luật Thương mại 2005, mức phạt trong hợp đồng thương mại với trường hợp các bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữ các bên, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm (Kể cả với một vi phạm hay nhiều vi phạm).
“Điều 301. Mức phạt vi phạm
Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm, trừ trường hợp quy định tại Điều 266 của Luật này.”
Điều 306 Luật Thương mại 2005, quy định các chủ thể tham gia vào giao dịch có quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán như sau:
“Điều 306. Quyền yêu cầu tiền lãi do chậm thanh toán
Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ và các chi phí hợp lý khác thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Lãi suất nợ quá hạn trung bình
Căn cứ Điều 11 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP quy định về xác định lãi suất trung bình do chậm thanh toán như sau:
“Điều 11. Xác định lãi suất trung bình quy định tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005
Trường hợp hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 thì khi xác định lãi suất chậm trả đối với số tiền chậm trả, Tòa án căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường của ít nhất 03 (ba) ngân hàng thương mại (Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam,…) có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Tòa án đang giải quyết, xét xử có trụ sở tại thời điểm thanh toán (thời điểm xét xử sơ thẩm) để quyết định mức lãi suất chậm trả, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.”
Theo đó, trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền trong hợp đồng thương mại thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả tiền lãi trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả.
Mức lãi suất trung bình được quy định tại Điều 11 nêu trên trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
4. Lãi Suất trong Hợp đồng tín dụng
Khái niệm hợp đồng tín dụng:
Hợp đồng tín dụng là thoả thuận bằng văn bản giữa tổ chức tín dụng (gọi là bên cho vay) với khách hàng là tổ chức, cá nhân (gọi là bên vay), theo đó tổ chức tín dụng thoả thuận ứng trước một số tiền cho khách hàng sử dụng trong một thời hạn nhất định, với điều kiện có hoàn trả cả gốc và lãi, dựa trên sự tín nhiệm.
Lãi suất trong hợp đồng tín dụng
Mức lãi suất tối đa theo quy định Bộ luật Dân sự 2015
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 việc vay mượn giữa các cá nhân và tổ chức là hệ hợp đồng dân sự và việc giao kết hợp đồng là sự thỏa thỏa thuận.
Đầu tiên, lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác… (Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015). Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Thứ hai, trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ
Do đó, theo quy định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 thì trong mọi trường hợp lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Tuy nhiên, không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay.
Mức lãi suất cho vay theo Luật tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn
Đối với mức lãi suất của tổ chức tín dụng thì không chịu mức lãi suất trần được quy định theo Bộ luật Dân sự 2015 mà các tổ chức tín dụng sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ nhất, tổ chức tín dụng và các cá nhân có thể thỏa thuận về lãi suất cho vay theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng, trừ trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa.
Theo khoản 3 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định:
“ Nội dung thỏa thuận về lãi suất cho vay bao gồm mức lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi đối với khoản vay. Trường hợp mức lãi suất cho vay không quy đổi theo tỷ lệ %/năm và/hoặc không áp dụng phương pháp tính lãi theo số dư nợ cho vay thực tế, thời gian duy trì số dư nợ gốc thực tế đó, thì trong thỏa thuận cho vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo tỷ lệ %/năm (một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày) tính theo số dư nợ cho vay thực tế và thời gian duy trì số dư nợ cho vay thực tế đó.”
Cùng với đó, tại khoản 4, khoản 5 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định:
“4. Khi đến hạn thanh toán mà khách hàng không trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi tiền vay theo thỏa thuận, thì khách hàng phải trả lãi tiền vay như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất cho vay đã thỏa thuận tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;
b) Trường hợp khách hàng không trả đúng hạn tiền lãi theo quy định tại điểm a khoản này, thì phải trả lãi chậm trả theo mức lãi suất do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng không vượt quá 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả;
c) Trường hợp khoản nợ vay bị chuyển nợ quá hạn, thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc bị quá hạn tương ứng với thời gian chậm trả, lãi suất áp dụng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn tại thời điểm chuyển nợ quá hạn.”
“5. Trường hợp áp dụng lãi suất cho vay điều chỉnh, tổ chức tín dụng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh, thời điểm điều chỉnh lãi suất cho vay. Trường hợp căn cứ các yếu tố để xác định lãi suất điều chỉnh dẫn đến có nhiều mức lãi suất cho vay khác, thì tổ chức tín dụng áp dụng mức lãi suất cho vay thấp nhất.”
Như vậy, mức lãi suất cho vay sẽ do sự thỏa thuận của Tổ chức tín dụng và khách hàng theo cung cầu vốn thị trường, nhu cầu vay vốn và mức độ tín nhiệm của khách hàng nếu khách hàng không thuộc các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 13 trên. Trường hợp nếu khách hàng thuộc khoản 2 điều trên thì mới có quy định về trần mức lãi suất là không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ.
Thứ hai, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận về lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam nhưng không vượt quá mức lãi suất cho vay tối đa do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định trong từng thời kỳ nhằm đáp ứng một số nhu cầu vốn trong những lĩnh vực nhất định.
Hiện tại, theo quy định tại Quyết định 314/QĐ-NHNN ngày 14/3/2023 áp dụng mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam là 6%/năm. Khách hàng cũng không bị giới hạn về hạn mức 20%/năm theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Như vậy, đối với hợp đồng vay mà một bên là tổ chức tín dụng thì lãi suất hợp đồng không bị giới hạn ở mức lãi suất tối đa 20% của khoản tiền vay theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.
5.Công Thức Tính Lãi Suất Chung Đối Với Một Số Loại Lãi Suất.
Lãi trong hạn
Lãi trong hạn = tiền gốc vay x lãi suất theo thỏa thuận x thời gian trong hợp đồng.
Lãi chậm trả
Theo khoản 4 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất được xác định bằng 10%/năm trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Điểm a khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất được xác định bằng 10%/năm trên số tiền chậm trả (tương ứng với 0,83%/tháng).
Như vậy, lãi chậm trả được tính theo công thức sau:
Lãi chậm trả = [(nợ gốc x lãi suất vay theo hợp đồng) x thời hạn vay] x 0,83 x thời gian chậm trả.
Lãi trên nợ gốc quá hạn
Theo điểm b khoản 5 Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015, lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Như vậy, lãi quá hạn được tính theo công thức sau:
Lãi trên nợ gốc quá hạn = nợ gốc x (150% x lãi suất vay theo hợp đồng) x thời gian quá hạn.
Trên đây là phần tư vấn của HTM & Partner về ÁP DỤNG LÃI SUẤT ĐỐI VỚI MỘT SỐ LOẠI HỢP ĐỒNG.
Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Dân sự – Hình sự – Hành chính, xin quý khách vui lòng liên hệ:
LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 0989. 111. 863
Phụ trách nội dung:ThS. LS. TRẦN VĂN HUY – Luật sư điều hành HTM & PARTNER
Địa chỉ: Số 70, Ngõ 203, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.
Website: https://luathtm.vn/
Email: Luathtm.vn@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/luathtm/
Zalo liên hệ Luật sư: 0989. 111. 863
Mã QR Zalo Luật sư:
Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết tại đây:
- https://luathtm.vn/
- https://tintuc.luathtm.vn/
- https://tintuc.luathtm.vn/cha-me-ly-hon-con-co-duoc-chia-tai-san-khong-1-2281.html
- https://tintuc.luathtm.vn/mien-trach-nhiem-hinh-su-theo-blhs-2015-2268.html
- https://tintuc.luathtm.vn/khoi-kien-vu-an-hanh-chinh-2030.html