ÁP DỤNG LẼ CÔNG BẰNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

ÁP DỤNG LẼ CÔNG BẰNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

12

Pháp luật sinh ra nhằm điều chỉnh các quan mối hệ xã hội. Pháp luật nằm ở kiến trúc thượng tầng của xã hội, là toàn bộ những quan điểm: chính trị, pháp quyền, đạo đức, triết học, tôn giáo, nghệ thuật… với những thể chế tương ứng: nhà nước, đảng phái, giáo hội, các đoàn thể… được hình thành trên một cơ sở hạ tầng nhất định.

Những tranh chấp trong các mối quan hệ trong xã hội là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là tranh chấp các vấn đề trong lĩnh vực Dân sự, vì vậy để giải quyết những tranh chấp này cần phải có pháp luật để là một cấu trúc, là một khung hình thái, dựa trên đó ta sẽ giải quyết các mối tranh chấp.

Nhưng không phải lúc nào các quy phạm pháp luật, quy định của pháp luật cũng được ban hành kịp thời để có thể điều chỉnh được hết các mối quan hệ trong xã hội. Vì vậy, lẽ công bằng là một trong những giải pháp để giải quyết  tranh chấp sinh ra từ các mối quan hệ trong xã hội khi pháp luật chưa có các quy định để điều chỉnh.

Áp dụng lẽ công bằng là một việc phức tạp, nhằm giải quyết kịp thời những tranh chấp phát sinh theo nguyên tắc không thể viện cớ chưa có quy định của pháp luật thì không giải quyết. Vậy thì áp dụng lẽ công bằng trong các vụ việc dân sự như thế nào ?

Sau đây, xin mời các bạn cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây của HTM & Partner về vấn đề ÁP DỤNG LẼ CÔNG BẰNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ.


LẼ CÔNG BẰNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ
LẼ CÔNG BẰNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ

1.CĂN CỨ PHÁP LÝ

  • Bộ luật Dân sự năm 2015
  • Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

2. NỘI DUNG

1. Quy định về áp dụng lẽ công bằng

Quan hệ pháp luật dân sự là quan hệ về tài sản và quan hệ nhân thân phát sinh khách quan trong xã hội có tư hữu, có nhà nước và có pháp luật. Vì quan hệ dân sự phát sinh theo nhu cầu của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cộng đồng. Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) được ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ về tài sản và nhân thân phát sinh trong xã hội. Pháp luật được ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội theo một trật tự nhất định và thống nhất, thể hiện rõ bản chất của một nhà nước trong từng thời kỳ.
Pháp luật phát sinh từ các quan hê xã hội, nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội, nhưng không theo kịp các quan hệ xã hội ngày một phát sinh đa dạng, phong phú và phức tạp. Do đó, có những tranh chấp phát sinh trong đời sống xã hội, cần giải quyết nhưng không có quy định của pháp luật để áp dụng.
Vì vậy, như một dự liệu của giải pháp nhằm điều chỉnh kịp thời các tranh chấp dân sự phát sinh mà chưa có luật để áp dụng, không có tập quán để giải quyết, thì cần phải có một cơ chế như một giải pháp để giải quyết. Một giải pháp cho vấn đề này được quy định tại Điều 6 BLDS năm 2015:
“1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.
2. Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”.

2. Định nghĩa áp dụng lẽ công bằng

Lẽ công bằng là một chuẩn mực được rút ra từ quan hệ cụ thể, có nội dung cấu thành từ các quan hệ thể hiện tính nhân văn, phù hợp với nhận thức của nhiều người về sự công bằng trong mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể trong một quan hệ pháp luật dân sự có tranh chấp và được giải quyết thấu tình, đạt lý phù hợp với đạo lý. Lẽ công bằng không phải là một cái gì đó trừu tượng, khó xác định.
Lẽ công bằng là một quan hệ thông thường và đối với bất kỳ ai nhận thức hay trực tiếp giải quyết tranh chấp cũng sẽ làm như vậy, không thể khác. Vì vậy, áp dụng lẽ công bằng đòi hỏi cơ quan xét xử phải có đội ngũ thẩm phán có tâm và có tầm. Tâm và tầm phải kết hợp hài hòa và tạo thành bản lĩnh, trách nhiệm và lương tâm của thẩm phán. Khi một tranh chấp phát sinh, mà không có luật để áp dụng trực tiếp, không có tập quán để áp dụng, không thể áp dụng tương tự về luật, không có án lệ để áp dụng thì lẽ công bằng được áp dụng để giải quyết tranh chấp.
Lẽ công bằng là một chuẩn mực xử sự trong quan hệ giữa các bên chủ thể, mục đích đạt được nhằm bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên được thực hiện như một tất yếu, lẽ đương nhiên và không thể khác. Lẽ công bằng là khả năng khách quan, tồn tại độc lập và khi được áp dụng mang lại hiệu quả nhất định là giải quyết kịp thời những tranh chấp dân sự trong điều kiện không có luật để áp dụng, không có tập quán, không có luật áp dụng tương tự, không có án lệ.
Lẽ công bằng được áp dụng để giải quyết tranh chấp dân sự đã vượt ra ngoài phạm vi của luật dân sự, nhưng phù hợp với đặc điểm, bản chất và nguyên tắc chung của quan hệ dân sự. Áp dụng lẽ công bằng không thể không áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015.
Quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015 là tư tưởng chỉ đạo trong việc xác lập, thực hiện các quyền, nghĩa vụ trong từng loại quan hệ dân sự nhất định là quan hệ tài sản và quan hệ nhân thân; buộc các quan hệ pháp luật dân sự phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản mang tính mệnh lệnh này.
Dựa trên những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tại Điều 3 BLDS, là một định hướng chủ đạo trong việc đánh giá và giải quyết các tranh chấp dân sự. Những nguyên tắc cơ bản này thể hiện rõ bản chất và những đặc trưng pháp luật dân sự Việt Nam, nhằm điều chỉnh các quan hệ tài sản và nhân thân trong xã hội tồn tại và phát triển nhiều thành phần kinh tế, nhiều hình thức sở hữu trong thời kỳ hội nhập quốc tế và thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển.
Khoản 1 Điều 3 BLDS năm 2015 là một nguyên tắc thể hiện rõ bản chất của quan hệ pháp luật dân sự, bảo đảm các quyền bình đẳng về tư cách chủ thể, về quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên chủ thể khi tham gia quan hệ pháp luật dân sự được pháp luật bảo đảm thực hiện:
“Mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng, không được lấy bất kỳ lý do nào để phân biệt đối xử; được pháp luật bảo hộ như nhau về các quyền nhân thân và tài sản”. 
Quy định này phù hợp với quy định của Điều 14 Công ước Quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa năm 1966:
Mọi người đều bình đẳng trước các tòa án và cơ quan tài phán. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một tòa án có thẩm quyền, độc lập, không thiên vị và được lập ra trên cơ sở pháp luật để quyết định về lời buộc tội người đó trong các vụ án hình sự hoặc để xác định quyền và nghĩa vụ của người đó trong các vụ kiện dân sự”.
Nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự theo quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015, được áp dụng cho tất cả các cấp tòa án.
Thứ nhất, lẽ công bằng trong việc giải quyết các tranh chấp dân sự phải được hiểu theo một trình tự, thủ thục tố tụng dân sự nhằm bảo đảm cho việc xem xét công khai, công bằng trong tố tụng không có những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp như áp đặt, gợi ý hoặc có sự “gửi gắm trước”, làm sai lệch bản chất của tranh chấp dân sự đang cần được giải quyết. Sự thiên lệch có thể có từ hội đồng xét xử, giám sát xét xử, bào chữa viên, từ luật sư. Sự không công bằng còn có thể có trong trường hợp phân biệt đương sự có lợi ích đối lập nhau hoặc vì đương sự này có mối quan hệ nào đó với người thứ ba hoặc với một hoặc toàn bộ thành viên trong hội đồng xét xử.
Thứ hai, sự thiếu công bằng có thể còn liên quan đến nội dung của vụ việc đang tranh chấp mà việc xác minh, nhận định, đánh giá các chứng cứ chưa đầy đủ, thiếu khách quan và làm sai lệch bản chất của tranh chấp.
Thứ ba, sự thiếu công bằng có thể do vi phạm nguyên tắc tranh tụng công khai tại phiên tòa. Phiên tòa công khai luôn luôn nhằm bảo đảm sự khách quan và minh bạch từ các thủ tục tố tụng, là căn cứ để bảo vệ thích đáng các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia tố tụng, nhất là các bên có các lợi ích mâu thuẫn nhau.
Với những yếu tố bảo đảm lẽ công bằng và vi phạm lẽ công bằng cần được xác định từ khâu xác minh các chứng cứ, về chủ thể của tranh chấp, nội dung tranh chấp dân sự để có được những đánh giá khách quan đúng với bản chất của vụ việc, từ đó lẽ công bằng được áp dụng tuân theo các nguyên tắc của pháp luật dân sự theo quy định tại Điều 3 của BLDS năm 2015.
Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự là một việc phức tạp và khó khăn đối với cơ quan xét xử. Do vậy, cần phải dự liệu trước những yếu tố ảnh hưởng đến lẽ công bằng như: tính chất của tranh chấp, nhân tố con người, đặc biệt là thành viên Hội đồng giải quyết vụ việc. Tính cẩn trọng, lương tâm, trình độ, kỹ năng và trách nhiệm của thành viên hội đồng xét xử đóng vai trò quyết định đến việc áp dụng lẽ công bằng có hiệu quả hay không có hiệu quả..
Theo quy định của BLDS năm 2015:
“Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.
Quy định này được cụ thể hóa từ Điều 26 đến Điều 33 BLTTDS. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tất cả các tranh chấp, các yêu cầu về dân sự, trừ trường hợp tranh chấp đó thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
Như vậy, áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự được thực hiện theo một trật tự, thủ tục khép kín và chặt chẽ theo quy định của BLTTDS năm 2015.
Áp dụng lẽ công bằng là một giải pháp giải quyết tranh chấp dân sự trong trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 6 BLDS năm 2015. Điều kiện của việc áp dụng này phải theo các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015.
Nguyên tắc này thể hiện sự tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận của các chủ thể là cá nhân, pháp nhân trong việc xác lập, thực hiện, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ dân sự trong quan hệ nhất định. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
Các chủ thể xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình một cách thiện chí, trung thực và không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Các chủ thể tham gia vào quan hệ tài sản và nhân thân tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự. Những nguyên tắc cơ bản này là khuôn mẫu để điều chỉnh các quan hệ dân sự, đồng thời là tư tưởng chỉ đạo tòa án các cấp trong việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự khi cần thiết.
Những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự theo quy định tại Điều 3 BLDS năm 2015 có nội dung bao quát hầu như tất các quan hệ pháp luật dân sự và thể hiện bản chất của quan hệ pháp luật dân sự giữa các bên chủ thể trong xã hội. Tuy nhiên, nội dung các quy định trong BLDS luôn luôn tiếp cận phù hợp với các nguyên tắc cơ bản này, cuộc sống cũng luôn luôn phát sinh những sự kiện cần phải được giải quyết, nhưng pháp luật không thể hoàn thiện đến mức có thể điều chỉnh hết tất cả các quan hệ tài sản và nhân thân phát sinh trong xã hội ngày một đa dạng, phức tạp!
Vì vậy, việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự vừa là nhu cầu vừa là một giải pháp linh hoạt để hóa giải những tranh chấp dân sự phát sinh trong xã hội để bảo vệ sự bình ổn trong giao lưu dân sự, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm tình đoàn kết trong nhân dân. Qua việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự phát sinh, là cơ sở sửa đổi, bổ sung pháp luật nhằm hoàn thiện pháp luật để giải quyết các quan hệ dân sự một cách có hiệu quả.
Từ những phân tích trên, có thể định nghĩa áp dụng lẽ công bằng để giải quyết các tranh chấp dân sự như sau:
Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong trường hợp xem xét, giải quyết tranh chấp thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự mà các bên trong quan hệ không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định hoặc có quy định nhưng quy định hiện có không thể điều chỉnh hết quan hệ đang được xem xét, giải quyết mà không có tập quán được áp dụng, không có quy định để áp dụng tương tự về luật và không có án lệ để áp dụng thì áp dụng lẽ công bằng.
Theo đó, khoản 2, Điều 6 BLDS 2015 quy định:
Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng”. 
Nguyên tắc này cũng được đề cập theo hướng cụ thể hơn tại khoản 3, Điều 45 BLTTDS 2015 để hướng dẫn Tòa án xét xử trong trường hợp vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng. Theo quy định này:
 “Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Bộ luật dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều này… Lẽ công bằng được xác định trên cơ sở lẽ phải được mọi người trong xã hội thừa nhận, phù hợp với nguyên tắc nhân đạo, không thiên vị và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của các đương sự trong vụ việc dân sự đó”.

3. Điều kiện áp dụng lẽ công bằng

Lẽ công bằng là một quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các yếu tố cấu thành lẽ công bằng không được pháp luật quy định cụ thể gồm những gì. Nhưng lẽ công bằng là một chuẩn mực pháp lý được thể hiện trong các quan hệ xã hội và thể hiện rõ phương thức pháp lý trong việc áp dụng. Từ cơ sở lý luận này, cách thức áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự, cần xác định theo các điều kiện sau đây:
– Tranh chấp đang được xem xét giải quyết thuộc đối tượng điều chỉnh của luật dân sự (Quan hệ về tài sản mang tính chất hàng hóa – tiền tệ và quan hệ về nhân thân phi tài sản);
– Các bên tranh chấp không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, pháp luật không có quy định, không có tập quán, không có quy định để áp dụng tương tự, không có án lệ. Thẩm quyền áp dụng lẽ công bằng thuộc tòa án các cấp.
– Áp dụng lẽ công bằng căn cứ vào từng tranh chấp riêng biệt, thậm chí những tranh chấp cùng loại thì việc áp dụng lẽ công bằng cũng không như nhau. Áp dụng lẽ công bằng cần thiết và quan trọng là việc xác định chủ thể thuộc các bên tranh chấp, có tính đến những người yếu thế và tính phức tạp, quy mô về tài sản của tranh chấp và tính thực tế, khách quan của sự kiện phát sinh là những tranh chấp cần phải được giải quyết cho phù hợp với đạo lý thông thường.
Khi áp dụng lẽ công bằng, không nên nhìn nhận vấn đề này pháp luật quy định rồi, thì việc áp dụng lẽ công bằng có thật sự cần thiết hay không? Pháp luật có quy định, nhưng còn nhiều quan hệ chứa đựng và phát sinh một cách khách quan trong nhóm quan hệ cụ thể, mà quy định hiện có không thể điều chỉnh thỏa đáng, thì lẽ công bằng vẫn có thể được áp dụng. Mục đích của pháp luật là bảo đảm công bằng, nhưng để giải quyết được triệt để tranh chấp, bảo đảm nguyên tắc công bằng về quyền và nghĩa vụ của các bên chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, thì lẽ công bằng vẫn có thể được áp dụng nhằm khắc phục khoảng trống của pháp luật hoặc pháp luật không điều chỉnh hết được các tranh chấp đang phát sinh.

4. Thẩm quyền áp dụng lẽ công bằng

Theo quy định hiện hành, thẩm quyền áp dụng lẽ công bằng thuộc toà án đang xét xử vụ án. Để bảo bảo tính khách quan và công bằng trong quá trình giải quyết tranh chấp và bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự. Khi áp dụng lẽ công bằng, toà án có vai trò quan trọng trong việc điều khiển quá trình tranh tụng và tuân theo những nguyên tắc, thủ tục tố tụng dân sự, bảo đảm quyền bình đẳng của các bên đương sự trong quá trình tranh tụng. Trong quá trình tranh tụng để áp dụng lẽ công bằng, chủ toạ phiên toà phải tạo mọi điều kiện cần thiết cho những người tham gia tranh tụng bày tỏ quan điểm của mình và có quyền yêu cầu họ dừng trình bày những ý kiến, chứng cứ không liên quan đến vụ án.
Như vậy, việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự có những nội dung, phương thức tranh tụng tại phiên toà cũng không có sự khác biệt nào so với các tranh chấp dân sự có sẵn quy phạm pháp luật để viện dẫn áp để giải quyết tranh chấp. Nội dung và phương thức tranh tụng tại phiên toà giải quyết tranh chấp bằng việc áp dụng lẽ công bằng cũng tuân theo quy định tại Điều 247 BLTTDS năm 2015.  
Khi áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự, trong phần nội dung vụ án và nhận định của Toà án phải ghi rõ những yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu khởi kiện của cơ quan, tổ chức, cá nhân; yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn; yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền, nghĩa vụ liên quan để qua đó căn cứ vào những tài liệu, chứng cứ đã xem xét tại phiên toà, kết quả tranh tụng tại phiên toà để phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án, những sự kiện để áp dụng lẽ công bằng.
Căn cứ phán quyết của toà án là dựa trên lẽ công bằng, các yếu tố của lẽ công bằng được mô tả, viện dẫn áp dụng. Thay vì viện dẫn điều luật trong các vụ tranh chấp có luật để áp dụng hoặc có tập quán để áp dụng hoặc có luật để áp dụng tương tự hoặc có án lệ để áp dụng, thì trường hợp lẽ công bằng được áp dụng để giải quyết tranh chấp cũng phải được toà án xác định rõ.
Căn cứ vào quyết định của bản án sơ thẩm được áp dụng lẽ công bằng để giải quyết, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện cũng có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm theo quy định tại Điều 271 BLTTDS năm 2015 như đối với các bản án thông thường khác. Thời hạn kháng cáo đối với bản án của Toà án cấp sơ thẩm áp dụng lẽ công bằng là 15 ngày, kể từ ngày tuyên án và thời hạn kháng cáo cũng tuân theo quy định tại Điều 273 BLTTDS năm 2015.

5. Các yếu tố ảnh hưởng đến áp dụng lẽ công bằng

Áp dụng lẽ công bằng là áp dụng quy định của pháp luật về lẽ công bằng. Nhưng quy định lẽ công bằng không thể hiện rõ nội hàm, mà quy định khái quát. Vì vậy, khi áp dụng lẽ công bằng cần phải xem xét các yếu tố có liên quan đến phạm vi tranh chấp, đặc điểm của tranh chấp, các bên chủ thể của tranh chấp và các chủ thể khác có liên quan.
Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp theo nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng về mặt pháp lý của các bên chủ thể. Quyền bình đẳng của các bên chủ thể trong tranh chấp được xác định dựa vào tiêu chí lẽ công bằng. Vì vậy, cần xác định những yếu tố tác động, ảnh hưởng việc xác định lẽ công bằng sau đây:
– Cần xác định rõ điều kiện, hoàn cảnh về không gian và thời gian các bên chủ thể xác lập quan hệ hoặc những sự kiện phát sinh do ý chí chủ quan của một bên hoặc cả hai bên trong một quan hệ pháp luật cụ thể về tài sản hoặc về nhân thân. Từ cơ sở xác định này, để có căn cứ xác định mối quan hệ phổ biến, quan hệ nhân quả của sự kiện phát sinh và hậu quả pháp lý xảy ra. Yếu tố ý chí của các bên chủ thể cần phải xác định rõ là ý chí chủ quan hay hoàn cảnh khách quan ngoài ý chí của chủ thể theo đó sự kiện pháp lý phát sinh theo ý muốn hay ngoài ý muốn của chủ thể để có căn cứ áp dụng lẽ công bằng, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của một bên hoặc lợi ích của người thứ ba.
– Xác định cụ thể những nguyên nhân khách quan mà quyền, lợi ích hợp pháp của một bên trong quan hệ pháp luật dân sự bị thiệt thòi. Nguyên nhân khách quan có thể là hành vi của người thứ ba hoặc do sự biến pháp lý tương đối hoặc tuyệt đối cụ thể mà hậu quả của nó xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng hoặc đáng lẽ có được nhưng bị mất mát, bị giảm sút không chính đáng.
– Áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp về tài sản và nhân thân, cần xác định mức độ nhận thức của chủ thể do điều kiện kinh tế, hoàn cảnh xã hội, hoàn cảnh gia đình chi phối hoặc do năng lực nhận thức của cá nhân mà dẫn đến những tranh chấp dân sự.
– Năng lực của thẩm phán áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự là người có năng lực nhận thức nhiều kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, ngoài kiến thức về chuyên môn pháp luật là bắt buộc đối với thẩm phán.
– Xác định các yếu tố là nguyên nhân dẫn đến quyền, lợi ích của một bên bị thiệt hoặc lợi ích của người thứ ba bị xâm phạm nếu trong điều kiện bình thường thì những lợi ích vật chất hoặc phi vật chất của chủ thể được bảo đảm thực hiện nhưng lại bị mất đi không chính đáng, không do lỗi của chủ thể.

6. Hệ quả pháp lý của việc áp dụng lẽ công bằng  

Việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự là nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm những tranh chấp dân sự phát sinh trong xã hội trong trường hợp chưa có quy phạm, không có tập quán, không có luật để áp dụng tương tự, không có án lệ để áp dụng. Áp dụng lẽ công bằng giải quyết các tranh chấp dân sự góp phần bảo đảm cho các quyền dân sự chính đáng của chủ thể được bảo đảm thực hiện, đồng thời giữ gìn mối đoàn kết trong nhân dân, bảo đảm cho các quyền, lợi ích hợp pháp của các bên chủ thể trong quan hệ pháp luật dân sự, thương mại được bảo đảm thực hiện.
Việc áp dụng lẽ công bằng để giải quyết tranh chấp dân sự là căn cứ để cơ quan lập pháp ban hành văn bản pháp luật nhằm khắc phục kịp thời những “lỗ hổng” của pháp luật cho phù hợp với quan hệ pháp luật dân sự, điều chỉnh có hiệu quả các quan hệ trong xã hội về tài sản và nhân thân thuộc lĩnh vực pháp luật dân sự./.

7. Ví dụ cụ thể áp dụng lẽ công bằng trong xét xử.

BẢN ÁN SỐ 04-2020/DS-ST ngày 28/05/2023 của Tòa án Nhân dân huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ về “Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”.

1.Đương sự tham gia tố tụng

Nguyên đơn: Anh Đinh Hồng V, sinh năm 1986

Bị đơn: Chị Nguyễn Thị Thanh H, sinh năm 1990

2. Nội dung vụ án

Nguyên đơn trình bày:

Anh V và chị H kết hôn năm 2009. Quá trình kết hôn, vợ chồng có 2 con chung là Đinh Thị Hồng G sinh năm 2010 và Đinh Tùng L sinh năm 2015. Sau khi kết hôn anh V làm nghề buôn bán lâm sản và lái xe. Chị H ở nhà nuôi con không nghề nghiệp cho đến khi ly hôn.

Do chi H không chung thủy nên cháu L không phải là con anh V . Đã giám định ADN.

Anh V đề nghị chi H phải thanh toán cho anh số tiền nuôi dưỡng đối với cháu Đinh Tùng L với số tiền là 121.000.000 đồng. Cụ thể::

– Tiền ăn: 40.000d/ ngày (1.200.000d/ tháng);

– Tiền sữa: 10.00d/ ngày ( 300.000d/ tháng);

– Tiền bỉm: 450.000d/ tháng ( trong hai năm);

– Tiền quần áo: 3.000.000d/ năm ( 250.000d/ tháng);

– Tiền thuốc men khi ốm đau: 2.000.000d/ năm (166.000d/tháng);

– Tiền chi phí mổ đẻ cho chị H: 15.000.000d

– Tiền học nhà trẻ từ 3 tuổi: 7.000.000d/ năm ( 600.000d/tháng);

Tại phiên tòa anh đề nghị bồi thường tiền công chăm sóc 2.000.000d/ tháng.

Bị đơn trình bày

Trong thời gian hôn nhân với anh Đinh Hồng V, chị có đi buôn bán và có quan hệ ngoài luồng có thai với người khác. Anh V đông ý chấp nhận việc chị H có thai và nuôi cháu Đinh Tùng L để làm phước. Chị H không đồng ý bồi thường vì tỏng thời kỳ hôn nhân anh V cũng có quan hệ ngoài luồng và anh V đã chấp nhận sự kiện trên.

Về thu nhập nuôi con chị H trình bày: Trong thời gian chung sống từ tháng 10/2009-/tháng 11/2011, tôi ở nhà chăm con. Tháng 12/2011- tháng 7/2015 tôi và anh V buôn bán quế cùng nhau, trung bình thu nhập của cả hai chúng tôi là 20.000.000d/tháng. Đến 08/2015- tháng 5/2016 tôi nghỉ ở nhà sinh con, chăm con, lo trông thợ xây nhà, không có thu nhập. Tháng 06/2016- tháng 02/2020- tôi kinh doanh quần áo sau đó chuyển sang kinh doanh quán bia, thu nhập bình quân 6.500.000d/tháng. Còn anh C làm nghề lái xe, có thu nhập.

Trong thời gian đi làm có thu nhập anh V không cung cấp tiền trang trải cuộc sống mà chỉ có tiền trả lãi, tiền điện. Thời gian nghỉ ở nhà không có thu nhâp, anh V cho trung bình 3.000.000d/ tháng để chi tiêu

Khi sinh cháu L phải sinh mổ chi phí hết 10.000.000d, anh V đã chi trả cho bênh viện. Chi phí nuôi cháu L hàng tháng: tiền ăn, sữa, bỉm 1.000.000d/ tháng (ở nhà và trường). Tiền học ở trường 2.200.000d/năm, tiền quần áo 2.000.000d”

Tôi không đồng ý với yêu cầu bồi thừog 2.100.000d, vì khi tôi có bầu anh V đã nói nuôi làm phúc và đi đăng ký khai sinh, nuôi dạy. Hơn nữa tôi cũng là người chăm sóc, nuôi dưỡng con, không riêng mình anh V. Tôi không đồng ý thanh toán bất kỳ khoản tiền nào cho anh V.

Tại phiên tòa chị H chấp nhận bồi thường chi phí nuôi cháu L là 50.000.000d. Xác nhận chi phí khi sinh là 12.000.000d

* Đại diện viện kiểm sát nhân dân đề nghị:

– Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh Đinh Hồng V

– Buộc chị H phải bồi thường 70-76 triệu đồng chi phí nuôi dưỡng và tổn thất tinh thần

3. Nhận định của Tòa án

Hội đồng xét xử nhận định:

1.Về thủ tục tố tụng:

– Theo khỏan 2 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

“ Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.

Quy định này được cụ thể hóa từ Điều 26 đến Điều 33 BLTTDS Tòa án có thẩm quyền chấp đó thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

– Do yêu cầu của nguyên đơn không có cơ quan nào giải quyết, do vậy Tòa án nhân dân huyện Thanh Ba căn cứ nơi cứ trú của bị đơn theo Điều 43 BLTTDS và các nguyên tắc chung theo khoản 2;3 Điều 45 BLTTDS để giải quyết vụ án.

2. Về quan hệ tranh chấp, thẩm quyền giải quyết vụ án và áp dụng pháp luật:

– Về yêu cầu bồi thương chi phí nuôi dưỡng và bồi thường về tinh thần. Mặc dù hiện nay chưa có Án lệ về vụ việc tương tự, pháp luật không quy định đầy đủ trong trường hợp này, nhưng xét thấy:

+ Nguyễn Thị Thanh H và anh Đinh Hồng V là vợ chồng ( đã li hôn ngày 06/2/2020), quá trình chung sống chị Nguyễn Thị Thanh H đã vi phạm khoản 1 Điều 19 Luật hôn nhân và gia đình:

“ Vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình”.

Từ việc vi phạm nghĩa vụ trên dẫn đến vụ việc Tòa án giải quyết hiện nay.

+ Trong bản tự khai chị H cho rằng khi chị mang thai anh Đinh Hồng V biết cháu L không phải là con của anh nhưng anh vẫn chấp nhận nuôi để làm phúc. Nhưng chị không đưa ra được chứng cứ nào. Do vậy, việc anh Đinh Hồng V yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần vì anh bị tổn thương về danh dự, nhân phận, uy tín do hành vi của chị Nguyễn Thị Thanh H gây ra là có căn cứ.

+ Về căn cứ bồi thường ngoài căn cứ theo khoản 1 Điều 584 BLDS Tòa án còn áp dụng quy định chung theo Điều 3 BLDS và Lẽ công bằng theo quy định của BLDS để buộc bồi thường, Điều 6 Bộ luật Dân sự quy định:

“1. Trường hợp phát sinh quan hệ thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự mà các bên không có thỏa thuận, pháp luật không có quy định và không có tập quán được áp dụng thì áp dụng quy định của pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự tương tự.

-Trường hợp không thể áp dụng tương tự pháp luật theo quy định tại khỏa 1 Điều này thì áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự tại Điều 3 của Bộ luật này, án lệ, lẽ công bằng.”

Hoạt động của con người là hoạt động có ý thức mọi việc làm đều có mục đích. Anh Đinh Hồng V nuôi dưỡng chăm sóc cháu Đinh Tùng  L là được hưởng lợi về mặt tình cảm và trông cậy lúc tuổi già. Nhưng mục đích ấy không đạt được. Vì vậy, người gây thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường là phù hợp với quy định của pháp luật vì lẽ công bằng.

Về bồi thường trong quá trình nuôi dưỡng cháu L. Các bên có lời khai khác nhau nhưng theo Luật HN&GD việc nội trợ gia đình được coi là lao động có thu nhập do đó thu nhập của anh Đinh Hồng V và trách nhiệm nuôi cháu L được tính cho cả chị Nguyễn Thị Thanh H. DO vậy mức chi phí nuôi dưỡng được tính bằng ½ tổng chi phí.

Về chi phí sinh anh V khai 15 triệu, chị H khai 12 triệu và do anh V chi trả. Buộc phải thanh toán cho anh Đinh Hồng V bằng ½

Về tiền công chăm sóc: Thực tế chị Nguyễn Thị Thanh Hương dành nhiều thời gian chăm sóc cháu Đinh Tùng Lâm hơn, do vậy cần buộc chị Nguyễn Thị Thanh H thanh toán 1 phần cho anh V.

Về án phí: Bị đơn chịu án phí

Quyết định của Tòa án

– Chấp nhânh yêu cầu khởi kiện của Đinh Hồng V

Buộc chị H phải thanh toán tiền cho anh V các khoản sau:

1/ Tiền chi phí nuôi dưỡng cháu L với thời gian 51 tháng x 1.050.000d/ tháng = 53.550.000d/ tháng ( không bao gồm tiền công chăm sóc)

2/ Tiền tổn thất tinh thần cho anh Đinh Hồng V bằng 08 tháng lương cơ bản x 1.490.000d = 11.920.000 đồng

3/ Tiền chi phí sinh là 6.000.000 đồng

4/ Tiền công chăm sóc 500.000d/ tháng x với thời gian 51 = 25.500.000 đồng

Tổng cộng 1+2+3+4 = 96.970.000 đồng;


Trên đây là phần tư vấn của HTM & Patner về ÁP DỤNG LẼ CÔNG BẰNG TRONG VỤ ÁN DÂN SỰ.

Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật – Dân sự – Hình sự – Hành chính, xin quý khách vui lòng liên hệ:

LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 0989. 111. 863
Phụ trách nội dung:ThS. LS. TRẦN VĂN HUY – Luật sư điều hành HTM & PARTNER

Địa chỉ: Số 70, Ngõ 203, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Website: https://luathtm.vn/

Email: Luathtm.vn@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/luathtm/

Zalo liên hệ Luật sư: 0989. 111. 863

Mã QR Zalo Luật sư: 


Bạn có thể tham khảo thêm các bài viết tại đây:

 

Leave A Reply

Your email address will not be published.

0989.111.863