QUYỀN BÀO CHỮA CỦA BỊ CÁO TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

QUYỀN BÀO CHỮA CỦA BỊ CÁO TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ

Một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Để việc kết tội được thực hiện đúng pháp luật, tránh làm oan và bỏ lọt tội phạm, việc đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội là cần thiết. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội là một trong những nguyên tắc của Bộ luật Tố Tụng hình sự.

Sau đây HTM & Partner xin được tư vấn như sau:



1. CĂN CỨ PHÁP LÝ

– Bô luật Tố tụng hình sự 2015.

2. NỘI DUNG TƯ VẤN

2.1. QUYỀN BÀO CHỮA CỦA BỊ CÁO

2.1.1. Khái niệm

Bị cáo là thuật ngữ được dùng để chỉ người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử.

Bào chữa là việc dùng lí lẽ, chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Bào chữa là một trong các quyền quan trọng của người bị buộc tội nói chung và bị cáo nói riêng.

Điểm g khoản 2 Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người bào chữa. Trường hợp bị cáo là pháp nhân, quyền bào chữa của bị cáo do người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thực hiện.

Đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội là một trong các nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự. Điều 16 Bộ luật này quy định:

Điều 16. Bảo đảm quyền bào chữa của người bị buộc tội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự

Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa.

Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm thông báo, giải thích và bảo đảm cho người bị buộc tội, bị hại, đương sự thực hiện đầy đủ quyền bào chữa, quyền và lợi ích hợp pháp của họ theo quy định của Bộ luật này.

Căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, quyền bào chữa là quyền của bị can, bị cáo, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ. Đây là quyền, không đồng thời là nghĩa vụ của bị cáo. Bị cáo có quyền nhưng không buộc phải chứng minh là mình vô tội.

2.1.2. Ý nghĩa của việc quy định quyền bào chữa của bị cáo

Quyền bào chữa là quyền của người bị buộc tội được thực hiện nhằm bảo vệ mình trước pháp luật.

Quyền bào chữa của bị cáo là yêu cầu khách quan trong hoạt động tố tụng hình sự nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được đúng đắn. Thực hiện quyền bào chữa nhằm tránh việc oan sai hoặc bỏ lọt tội phạm.

Trong trường hợp bị cáo nhờ người bào chữa bào chữa hoặc do cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định thì người bào chữa có quyền bào chữa. Người bào chữa có thể là luật sư; người đại diện của người bị buộc tội; bào chữa viên nhân dân; trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý. Người bào chữa phải đăng ký bào chữa theo quy định của pháp luật.

2.1.3. Đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo

Để đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo, ngay từ khi bị khởi tố, bị can có quyền được yêu cầu đọc, ghi chép bản sao tài liệu hoặc tài liệu được số hóa liên quan đến việc buộc tội, gỡ tội hoặc bản sao tài liệu khác liên quan đến việc bào chữa kể từ khi kết thúc điều tra khi có yêu cầu.

Tại phiên tòa, bị cáo có quyền trình bày lời khai; trình bày ý kiến; không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.

Bị cáo có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu nhằm thực hiên quyền bào chữa.

2.2. BỊ CÁO LÀ NGƯỜI DƯỚI 18 TUỔI  

Quyền bào chữa của bị cáo là người dưới 18 tuổi là tổng thể các quyền mà pháp luật quy định bị cáo là người dưới 18 tuổi có thể sử dụng nhằm bác bỏ một phần hay toàn bộ sự buộc tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm cho họ.

Quyền bào chữa của người dưới 18 tuổi được Bộ luật Tố tụng hình sự quy định tại Điều 442. Theo đó quyền bào chữa của bị can dưới 18 tuổi được thực hiện như sau:

– Tự mình thực hiện hoặc tự nhờ người bào chữa.

– Người đại diện được quyền bào chữa hoặc lựa chọn người bào chữa cho người dưới 18 tuổi.

– Yêu cầu có người bào chữa cho người dưới 18 tuổi là bắt buộc. Do vây khi người dưới 18 tuổi không có người bào chữa thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án phải chỉ định người bào chữa theo quy định của pháp luật.

2.3. CHỈ ĐỊNH NGƯỜI BÀO CHỮA

Sự tham gia bắt buộc của người bào chữa trong tố tụng hình sự là quy định thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.
Để đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội nói chung, trong một số trường hợp bắt buộc phải chỉ định người bào chữa khi người bị buộc tội, người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa. Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định các trường hợp chỉ định người bào chữa như sau:

– Bị can, bị cáo phạm tội mà mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù; tù chung thân; tử hình;

– Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa;

– Người có nhược điểm về tâm thần

– Người dưới 18 tuổi.

Quyền của người bào chữa được quy định tại khoản 1 Điều 73 luật này.  Đảm bảo quyền lợi của người bào chữa là nhằm đảm bảo tối đa quyền bào chữa của bị cáo.


Trên đây là tư vấn của HTM & Partner về “QUYỀN BÀO CHỮA CỦA BỊ CÁO TRONG VỤ ÁN HÌNH SỰ “.

Quý khách có nhu cầu Tư vấn pháp luật dân sự –  Tư vấn pháp luật Hình sự – Thủ tục tố tụng – Thủ tục doanh nghiệp, xin quý khách vui lòng liên hệ:                                                                                            

LUẬT SƯ TƯ VẤN TRỰC TIẾP: 0989. 111. 863

Phụ trách nội dung: ThS. LS. TRẦN VĂN HUY – Luật sư điều hành HTM & PARTNER

Địa chỉ: Số 70, Ngõ 203, Đường Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Tân, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội.

Website: https://luathtm.vn/

Email: Luathtm.vn@gmail.com

Fanpage: https://www.facebook.com/luathtm/

Zalo liên hệ Luật sư: 0989. 111. 863

Mã QR Zalo Luật sư: 


Bạn có thể tham khảo thêm tại đây: 

Comments (0)
Add Comment